Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tiếp ông Reed Hastings, Giám đốc điều hành Netflix, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải trí trực tuyến đến từ Mỹ, có hơn 151 triệu thành viên trả phí tại hơn 190 quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm hoan nghênh việc các đối tác nước ngoài hợp tác sản xuất phim với Việt Nam, mong muốn Netflix xây dựng hiện diện chính thức tại Việt Nam. Đáp lời, ông Hastings nói: "Chắc chắn chúng tôi sẽ làm vậy".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Giám đốc điều hành Netflix Reed Hastings. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP).
Ba năm trước, Netflix đã hiện diện tại Singapore, sau đó là Tokyo (Nhật Bản), Mumbai (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc) và tương lai sẽ hiện diện chính thức tại Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam có tỉ lệ người sử dụng Internet cao, trong đó nhiều người dùng các dịch vụ giải trí trực tuyến. Ông tin tưởng Netflix sẽ có sự tăng trưởng tại Việt Nam.
Chào đón Netflix sớm đầu tư vào Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết thêm với gần 100 triệu dân, khoảng 60 triệu người sử dụng Internet, thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Các sản phẩm dịch vụ truyền hình, trong đó có dịch vụ trực tuyến có nhu cầu sử dụng cao tại Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Netflix sản xuất phim, quay cảnh tại Việt Nam. Nhất trí với ý kiến trên, CEO Netflix cho biết: "Netfix muốn sản xuất tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam, theo đúng pháp luật Việt Nam".
Tuần rồi, Netflix vừa công bố tác phẩm nguyên gốc (original) đầu tiên tại thị trường Đông Nam Á, mang tên The Stranded do êkip Thái Lan sản xuất. Ông Ekachai Uekrongtham, Giám đốc sản xuất điều hành của The Stranded, cho biết ngoài việc được Netflix tạo điều kiện mọi mặt và hỗ trợ kinh phí sản xuất, dự án còn được sự hỗ trợ về cơ chế, thủ tục duyệt phim từ chính quyền Thái.
Tuy nhiên, Netflix yêu cầu dù là phim truyền hình nhiều tập nhưng phải đạt được chất lượng của phim chiếu rạp và các tiêu chuẩn khác để phát hành toàn cầu.
Về triển vọng hợp tác của Việt Nam với Netflix, ông Ekachai cho biết: "Tôi nhận thấy thời gian qua, các phim Hollywood cũng có nội dung và kịch bản được lấy cảm hứng từ khu vực Đông Nam Á. Kể cả Việt Nam hay Thái Lan đều có những câu chuyện hay, độc đáo. Đây chính là những tài sản quý của mỗi quốc gia trong khu vực".
Năm 2016, Netflix đã mở dịch vụ cho thị trường Việt Nam và hiện có khoảng 300.000 thuê bao. Tháng rồi, nền tảng này chính thức ra mắt giao diện Việt hóa với hệ thống phụ đề Việt ngữ và lồng tiếng cho nhiều bộ phim. Trên Netflix, một số bộ phim Việt Nam cũng đã được mua lại như Trúng Số, Hậu Duệ Mặt Trời, Hai Phượng…
Netflix quy định mức phí thuê bao theo từng thị trường khác nhau, rẻ nhất trên thế giới là tại Thổ Nhỉ Kì. Phí thuê bao Netflix thu chỉ bắt đầu từ 15,99 TL, tức 64.50`0 đồng/tháng, rẻ hơn Việt Nam gần 3 lần.
Tại Việt Nam, Netflix áp dụng mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng. Mức này nằm trong nhóm trung bình khi so với mức phí thuê bao tại các quốc gia khác.
Netflix đã có mặt tại 6/11 quốc gia Đông Nam Á. Trong khu vực, phí thuê bao tại Việt Nam rẻ thứ nhì sau Philippines.
Phí thuê bao Netflix tại Việt Nam rẻ thứ nhì Đông Nam Á, sau Philippines. (Đồ họa: Tất Đạt).