‘Sầu nữ’ Út Bạch Lan qua đời |
"Sầu nữ" Út Bạch Lan qua đời. |
Nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan được biết đến là một “Nữ hoàng vọng cổ” với giọng ca mùi mẫn, nghe như gieo vào lòng những cung nhạc sầu thương, chất chứa… Thế nên, người ta mới đặt cho bà danh hiệu là “sầu nữ” của cải lương Việt Nam.
“Sầu nữ” Út Bạch Lan, nghe cái tên đã buồn, gắn danh hiệu vào nữa lại càng làm nỗi buồn dài thêm. Có lẽ vì thế mà cuộc đời bà đã gặp phải trăm điều cơ cực, cay đắng.
Út Bạch Lan thời thiếu nữ. |
Bà tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hóa, Long An. Thuở nhỏ, cha mất sớm nên bà và mẹ phải đi làm mướn quanh khu vực Chợ Lớn Mới (nay là chợ Bình Tây) để sinh sống qua ngày.
Trong số những người làm mướn ấy, có mẹ con của danh cầm Văn Vĩ (lúc đó tên là Đinh Văn Dậm). Hai bà mẹ gặp nhau trong cái nghèo khó nên kết nghĩa chị em rồi cùng nương tựa vào nhau. Trong lúc đó, Văn Vĩ và Út Bạch Lan cũng trở thành anh em, dìu dắt nhau đi khắp nơi trong Sài Gòn kiếm tiền bằng giọng hát, ngón đờn để đỡ đần cho mẹ.
Văn Vĩ thì có tài năng về đàn, Út Bạch Lan lại có năng khiếu về hát, nhất là hát các bản vọng cổ. Thế nên hai anh em nhanh chóng được mọi người biết đến và dành tình cảm đặc biệt. Lúc bấy giờ, cô Năm Cần Thơ hay tin cũng tò mò tới nghe bà hát. Và rồi từ đây, cuộc đời bà đã có một bước ngoặt mới. Từ một người hát rong, Út Bạch Lan được đứng trên sân khấu lung linh đèn màu và nghệ danh Út Bạch Lan cũng xuất phát từ đây.
Giữa thập niên 50 (thế kỷ XX), Út Bạch Lan bắt đầu gây chú ý qua vở dã sử "Đồ Bàn di hận" trên sân khấu Thanh Minh. Không ngừng khổ luyện diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, sáng tạo nét mới, bà đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn như: Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Nước chảy qua cầu, Biên Thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Nhớ rừng, Cung đàn trên sông lạnh, Thiên Thần trên thiết mã, Hoa Mộc Lan, Chén cơm đô thành, Đất Việt của người Việt…
Thành công nối tiếp thành công, nghệ sĩ Út Bạch Lan được các hãng đĩa tranh nhau mời thu thanh đĩa đơn, đĩa tuồng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử Việt Nam đến Trung Hoa, Tây, Nhật... với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác.
Vai chị Hằng trong vở "Con gái chị Hằng" là vai vàng giúp nghệ sĩ Út Bạch Lan đạt tới đỉnh vinh quang khi hóa thân trong bi kịch người mẹ hết dạ thương con, do những bước đi sai lầm đã dẫn đến cái chết thảm, bỏ lại đứa con dại khờ. Tiếp đó, trên sân khấu Kim Chưởng, nghệ sĩ Út Bạch Lan có những vai xuất sắc qua các vở như Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển)…
Út Bạch Lan thời còn hạnh phúc với nghệ sĩ Thành Được. |
Năm 1958, nghệ sĩ Út Bạch Lan ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chưởng. Tại đây, bà hát cùng và kết duyên với nghệ sĩ Thành Được. Lúc này, Thành Được là một chàng nghệ sĩ đẹp trai, có tài nên rất đào hoa, được nhiều phụ nữ theo đuổi. Vì thế mà lấy nhau chưa được bao lâu, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã phải nén đau đớn nuôi con riêng cho chồng để làm đẹp lòng chồng, giữ cho trong nhà yên ấm.
Rồi lần thứ hai, thứ ba, người ta lại mang con tới nhà, nói là con của chồng mình, bà đã khóc thật nhiều và lại nhận nuôi dưỡng những đứa con riêng ấy của chồng. Sau đó hai người chia tay, bà vẫn nuôi các con bởi không nỡ bỏ khi chúng còn nhỏ dại, mà để nghệ sĩ Thành Được nuôi thì bà lại chẳng thể yên tâm.
Không có với nhau được đứa con chung nào, bà vẫn nuôi con chồng như con mình, rồi dựng vợ gả chồng, đến khi mẹ ruột chúng quay trở về xin nhận lại con, nghệ sĩ Út Bạch Lan lại nhiệt tình hoàn tất thủ tục để các con sớm về bên mẹ ruột.
Thế đấy, bà đã sống nhẫn nhịn giữa cuộc đời bằng tấm lòng nhân hậu. Những nỗi đau, những bất hạnh không làm bà gục ngã, mà ngược lại còn giúp bà hát hay hơn. Không trọn vẹn với hạnh phúc riêng tư, nhưng bà luôn được sống trong vòng tay yêu thương của khán giả và sự trân quý của đồng nghiệp, những thế hệ nghệ sĩ đi sau mình.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan những ngày cuối đời. |
Ở tuối xế chiều, dù sức khỏe ngày càng yếu đi bởi bệnh tật tuổi già nhưng nghệ sĩ ưu tú Út Bạch Lan vẫn tranh thủ ca hát và làm từ thiện. Sau những nỗi buồn của cuộc đời, bà rất tin vào đạo Phật. Không xuống tóc quy y nhưng đêm bà đọc kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát những bài ca, vở tuồng về Phật để cõi lòng an yên…
Bà cũng là người sáng lập ra nhóm từ thiện Hoa lan trắng, cái tên này được đặt theo chính bài hát nổi tiếng mà NSND Viễn Châu viết tặng riêng cho bà. Nhóm từ thiện còn có sự tham gia của các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử, Tô Châu, Bảo Trân…
Hình ảnh Út Bạch Lan gầy guộc, nhỏ thó với mái tóc ngã màu khói trắng, ngồi lặng thinh ở một góc nhỏ sân khấu đợi đến lượt mình ra diễn có lẽ sẽ không bao giờ phai nhòa trong ký ức của người đã từng bắt gặp khoảnh khắc ấy...
Xin vĩnh biệt bà – Sầu nữ Út Bạch Lan!
Thời sự 05:23 | 08/11/2016
Thời sự 23:41 | 07/11/2016
Thời sự 10:05 | 05/11/2016
Thời sự 06:31 | 05/11/2016
Thời sự 05:57 | 05/11/2016
Thời sự 00:50 | 05/11/2016
Thời sự 00:25 | 05/11/2016