Báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lí thị trường cho biết trong hôm nay (13/2), lực lượng Quản lí thị trường trên cả nước đã tổng kiểm tra 211 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, cơ sở sản xuất, tập kết mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, xử phạt 47 cửa hàng vi phạm với hơn 48 triệu đồng.
Tính chung từ ngày 31/1 đến nay, trong vòng nửa tháng, lực lượng Quản lí thị trường đã kiểm tra, xử lí 4.210 vụ việc vi phạm.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là thổi giá, không niêm yết giá, găm hàng và bán khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ khi nhu cầu các mặt hàng này tăng cao.
Đáng chú ý, Tổng cục Quản lí thị trường cho biết hiện các địa phương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lí theo quy định pháp luật, để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho biết hiện nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng cao. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế.
Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona diễn biến phức tạp, dự báo nhu cầu khẩu trang của người dân vẫn cao, Bộ Công Thương chỉ một số nơi mua khẩu trang uy tín trong thời gian này để người dân tham khảo.
Cụ thể, Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết có khả năng cung ứng trung bình hơn 1 triệu chiếc khẩu trang/tháng, tương đương với khoảng hơn 33.000 chiếc/ngày. Người dân có thể mua tại các điểm bán của hệ thống này, mỗi người được mua tối đa 2 hộp, mỗi hộp 30 chiếc.
Công ty cổ phần TM&DV Hoàng Dương (thương hiệu Canifa) có thể cung cấp tối đa khoảng 30.000 chiếc khẩu trang trên kênh bán lẻ và một số trang thương mại điện tử.
Hệ thống Saigon Co.op cung cấp đều đặn 200.000 chiếc khẩu trang y tế mỗi ngày, với giá không đổi.
Công ty Dệt kim Đông Xuân: các sản phẩm khẩu trang sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty hiện đang được bán tại 5 điểm bán hàng và các cửa hàng được cấp khẩu trang vải kháng khuẩn của Đông Xuân hàng giờ/ngày, mỗi khách hàng được mua 5 chiếc.
Cụ thể, là các cửa hàng 67 Ngô Thì Nhậm, 25 Bà Triệu, 57B Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), 460 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), 221 Khâm Thiên (Đống Đa) với công suất từ 300-700 chiếc mỗi giờ.
Hệ thống siêu thị Big C có kế hoạch bán hơn 64.000 khẩu trang các loại, có cả một số loại khẩu trang 3D (ngăn khói bụi, ngăn virus, trẻ em, vải…).
Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, các địa chỉ uy tín trên cũng đang có dấu hiệu khan hiếm khẩu trang bởi nhu cầu của người dân quá cao. Tại các siêu thị lớn như Saigon Co.op, Big C, Aeon Mall ở TP HCM cũng đều hết khẩu trang.
Trong khi đó, các điểm bán của Công ty Dệt kim Đông Xuân tại Hà Nội những ngày gần đây luôn đông đúc người nối đuôi nhau chờ đến lượt để mua khẩu trang.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết dù đã triển khai may khẩu trang tại một số đơn vị may trực thuộc như Doximex, Hanosimex, May 10, May Đồng Nai, May Hòa Thọ, Việt Tiến… Tuy nhiên, số lượng hàng đưa ra thị trường chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến tình trạng xếp hàng kể trên.
Tổng cục Quản lí thị trường khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là mặt hàng khẩu trang. Người dùng nên tìm mua tại các điểm bán uy tín, tin cậy mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương công bố.
Đồng thời, người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội, tránh bị đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, người dân cần báo ngay cho đường dây nóng của lực lượng Quản lí thị trường khắp cả nước.
Trước đó, Tổng cục Quản lí thị trường đã công bố số điện thoại đường dây nóng tại 63 tỉnh, thành phố. Cơ quan này sẵn sàng tiếp nhận thông tin tố giác của người dân về các hành vi liên quan niêm yết giá bán các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn phòng dịch.
Tổng cục Quản lí thị trường cho biết các hành vi cần được tố giác gồm lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lí.
Tổng cục nhấn mạnh đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe, phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa trong dịch Covid-19. Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, cương quyết xử lí các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.
Tương tự, Bộ Công an đề nghị người dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật tương tự nêu trên, báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ theo đường dây nóng của công an các đơn vị, địa phương.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020