36 tấn khẩu trang đã được xuất ra nước ngoài trong 6 ngày

Chỉ trong 6 ngày, 36 tấn khẩu trang y tế đã được xuất khẩu đi nước ngoài qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Số khẩu trang này chủ yếu được xuất qua Hong Kong và Trung Quốc.

Theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xuất khẩu khẩu trang qua đường hàng không tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ ngày 30/1 đến 4/2, tức chỉ trong vòng 6 ngày, chi cục đã làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang.

Trong nước thiếu khẩu trang y tế phòng virus corona, 36 tấn khẩu trang đã được xuất ra nước ngoài - Ảnh 1.

Lực lượng QLTT trong nước đang tích cực xử lí trường hợp găm hàng, hét giá khẩu trang. (Ảnh: QLTT).

Số khẩu trang trên được xuất khẩu đi Hong Kong, Trung Quốc, Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, hai thị trường xuất đi nhiều nhất là Hong Kong và Trung Quốc.

Mặt hàng khẩu trang y tế từ trước đến nay đều không xuất khẩu qua đường hàng không tại Tân Sơn Nhất, hoặc có thì số lượng ít. Việc gia tăng đột biến một lượng lớn hàng là khẩu trang y tế xuất đi các nước, chỉ mới xuất hiện khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) diễn biến phức tạp.

Việc xuất khẩu khẩu trang với số lượng lớn diễn ra ngay trong thời điểm hầu hết các hiệu thuốc, cửa hàng cung cấp thiết bị y tế trong nước đều báo hết khẩu trang, hoặc chỉ còn số lượng rất ít.

Qua rà soát, kiểm tra tình hình cung cầu mặt hàng này mỗi ngày, Tổng cục Quản lí thị trường cho biết nguồn cung các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế phục vụ phòng bệnh chưa được cải thiện, nên hiện tượng khan hàng đối với các mặt hàng trên vẫn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bộ Tài chính dự báo nhu cầu khẩu trang tăng cao, cần nhập khẩu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa kí Quyết định ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, gồm khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nước sát trùng và các nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế.

36 tấn khẩu trang đã được xuất ra nước ngoài trong 6 ngày - Ảnh 2.

Khẩu trang tại các thành phố lớn đang thiếu hụt, một số ít cửa hàng lớn còn nhưng chỉ được mua với số lượng hạn chế, người dân hết sức vất vả mới mua được số lượng nhỏ giọt . (Ảnh: Trường Nguyên).

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cũng cho biết mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người, gồm cả các loại thuốc phục vụ phòng chống dịch thì tổ chức triển khai ngay việc đấu thầu thuốc, tập trung đàm phán giá để bảo đảm có đủ nguồn cung trong và sau dịch bệnh, thông qua đó điều tiết mức giảm giá bán phù hợp. 

Bộ Tài chính dự báo Việt Nam vẫn cần trang bị các vật dụng thiết bị cần thiết dùng cho chống lây nhiễm dịch, bệnh, trong đó có khẩu trang. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, tìm nguồn để nhập khẩu khẩu trang, đáp ứng nhu cầu trong nước. Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế, kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng, chống dịch.  

Bộ Tài chính nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh. 

Trường hợp cần thiết căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, địa phương nên đưa các mặt hàng chống dịch vào diện kê khai giá, kiểm soát yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật giá, để bình ổn giá cả thị trường. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.