Bằng việc tổ chức những cuộc gặp gỡ bí mật, thống nhất tỉ lệ ăn chia, “siêu cò” này đã được trả công tới 11 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy sinh ngày 19/10/1972 tại TP.HCM, làm nghề kinh doanh tự do, trình độ học vấn 10/12.
Kết luận của cơ quan điều tra thể hiện, đầu năm 2010, Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Ngân) có nhu cầu mua dự án Nam Đàn Plaza để có phương án đền bù căn hộ cho khách hàng đã bị ông này lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động vốn tại dự án Thanh Hà Cienco5 nên đã tìm gặp Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và được Duy hứa có thể giúp dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 57 triệu đồng/m2. Sở dĩ Duy đưa ra mức giá này vì tin rằng bản thân có thể “thiết kế” được mức giá thấp hơn, nếu thành công sẽ hưởng phần chênh lệch.
Phối cảnh dự án Nam Đàn Plaza
Xin được nói lại, Dự án Nam Đàn Plaza do Công ty Cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương là chủ đầu tư. Công ty này có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông sáng lập: Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land (12,12 triệu cổ phần, tương đương 50,5%), Công ty Vietsan (6 triệu cổ phần, tương đương 20%), Công ty Cổ phần Bất động sản Bưu chính viễn thông Việt Nam – VNPT Land (3,36 triệu cổ phần, tương đương 14%), Công ty TNHH Nam Hà Thành (1,32 triệu cổ phần, tương đương 5,5%) và ông Nguyễn Minh Quý (1,2 triệu cổ phần, tương đương 5%).
Thông qua môi giới của Duy, Lê Hòa Bình đã gặp Đặng Sỹ Hùng (Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land) để thỏa thuận mua 100% cổ phần của các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2. Trên cơ sở thỏa thuận với Lê Hòa Bình, Đặng Sỹ Hùng đã liên lạc với các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương để xúc tiến việc mua bán cổ phần.
Theo sự sắp xếp của Đặng Sỹ Hùng và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27/3/2010, Lê Hòa Bình và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã gặp, đàm phán với các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Kết quả, các bên đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc giữa bên mua là Công ty Minh Ngân (do Lê Hòa Bình đại diện) và bên bán là 5 cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Vị trí Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng
Nội dung của hợp đồng đặt cọc nêu rõ Công ty Minh Ngân sẽ đặt cọc 100 tỷ đồng để đảm bảo việc mua 24 triệu cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá chuyển nhượng thống nhất là 20.765,34 đồng/cổ phần (tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza).
Tuy nhiên, theo quy chế về việc quản lý phần vốn của PVC đầu tư vào doanh nghiệp khác, việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương phải được sự đồng ý của PVC. Chính vì vậy, Đặng Sỹ Hùng đã nhờ Thái Kiều Hương tác động để Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh chấp thuận. Sở dĩ Hùng nhờ Thái Kiều Hương bởi Hương có quen biết Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) do vậy Hương có thể tác động đến Trịnh Xuân Thanh. Cuối tháng 3/2010, nhờ sự giúp sức của Thắng, Thái Kiều Hương đã cùng Han Gi Cheol gặp Trịnh Xuân Thanh tại nhà hàng số 1 Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội). Tại cuộc gặp này, Trịnh Xuân Thanh đã chấp thuận việc bán vốn của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Ngày 29/3/2010, Lê Hòa Bình đã chuyển 100 tỷ đồng đặt cọc theo hợp đồng đặt cọc. Bình cũng đồng thời chuyển thêm 5 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Vietsan (theo gợi ý của Đặng Sỹ Hùng và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy). Số tiền này, Vietsan đã chuyển cho Đinh Mạnh Thắng.
Ngày 30/3/2010, Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Chủ tịch PVP Land Đào Duy Phong. Tại cuộc gặp, Hương thông báo với Phong rằng Trịnh Xuân Thanh đã chấp thuận việc bán cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, tuy nhiên, giá trên hợp đồng chỉ ghi 35 triệu đồng/m2. Khoản chênh lệch 5 triệu đồng/m2 sẽ được ăn chia theo cơ cấu: Phong được 10 tỷ đồng, Thanh và Thắng được 19 tỷ đồng. Đào Duy Phong chấp thuận phương án này và thông báo cho Tổng giám đốc PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh biết.
Bên trong dự án Nam Đàn Plaza
Nguyễn Ngọc Sinh lập tức ký Tờ trình số 196/PVPL-TT-KTKH trình HĐQT PVP Land phương án bán 12,12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần, tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza. Khoản chênh lệch 1 triệu đồng/m2 này, Nguyễn Ngọc Sinh nói để dùng cho chi phí và Đào Duy Phong đã ký duyệt phương án nêu trên.
Sau đó, ngày 1/4/2010, Đào Duy Phong đã ký tờ trình trình HĐQT PVC về phương án chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 34 triệu đồng/m2. Trịnh Xuân Thanh đã ký Nghị quyết chấp thuận phương án này.
Sau khi có sự đồng ý của Thanh về văn bản, Đào Duy Phong đã ký quyết định cho Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Đến ngày 6/4/2010, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa đã làm các thủ tục, ký chứng từ thanh toán 50% giá trị hợp đồng cho các cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Riêng PVP Land được thanh toán 52% (100 tỷ đồng), còn nợ 91,97 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra kết luận, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương, đã thông đồng với các đối tượng liên quan, cùng với đối tượng môi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy; có sự giúp đỡ của Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa và đại diện bên mua (công ty Minh Ngân) và Đinh Mạnh Thắng để ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn mức giá PVP Land đã thỏa thuận đặt cọc (52 triệu đồng/m2) tạo ra chênh lệch để chiếm đoạt cổ phần trị giá 87 tỷ đồng (trong đó có tài sản của nhà nước).
Dự án Nam Đàn Plaza
Tại cơ quan điều tra, bị can Lê Hòa Bình khai, số tiền chênh lệch được chia như sau: Huỳnh Nguyễn Quốc Duy chia phần chênh lệch từ 34-40 triệu đồng/m2 đưa cho Đào Duy Phong (số tiền 10 tỷ đồng, nhận ngày 13/4/2010). Phần chênh lệch từ 40-52 triệu đồng đưa cho Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và Thái Kiều Hương. Theo sự thống nhất của Hùng, Duy, Hương, Bình, ngày 29/3/2010 Hương nhận 5 tỷ đồng để đưa Đinh Mạnh Thắng và 14 tỷ đồng ngày 6/4/2010 để chuyển Trịnh Xuân Thanh. Đặng Sỹ Hùng nhận 20 tỷ đồng ngày 15/4/2010. Về công môi giới của Duy, Bình khai đã đưa Duy 13 tỷ đồng, nhưng cơ quan điều tra xác định số tiền chính xác Duy nhận được là 11 tỷ.
Trước khi bị truy tố trong vụ án này, vào năm 2016, “siêu cò” Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và “siêu lừa” Lê Hòa Bình từng bị TAND TP Hà Nội xét xử tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án khác. Lê Hòa Bình chịu án Chung thân còn Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 5 năm tù.
Cái chết đột ngột của Đặng Sỹ Hùng Kết luận của Cơ quan điều tra cho biết: Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với Đặng Sỹ Hùng do bị can này đã chết. Về số tiền 20 tỷ đồng mà Hùng nhận cụ thể như sau, sáng ngày 15/4/2010, theo yêu cầu của Đặng Sỹ Hùng, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã ký 5 séc rút 20 tỷ đồng giao cho Trần Thị Huế và anh Trần Văn Ngân, nhân viên của Công ty Minh Ngân ra Ngân hàng Viettinbank – Chi nhánh Phạm Hùng rút tiền rồi giao đủ 20 tỷ đồng cho Phạm Sỹ Hùng. Khoản chi này được thể hiện trên sổ sách kế toán và được chị Huế và anh Ngân xác nhận, có giấy biên nhận tiền do Đặng Sỹ Hùng ký. Trước khi chết, Hùng từng bỏ trốn sau khi bị khởi tố và đến Bộ Công an đầu thú vào ngày 29/3/2011. Tại cơ quan điều tra, Đặng Sỹ Hùng khai đã nhận 20 tỷ đồng, trong số tiền này đã đưa cho vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hồng 12 tỷ đồng để gửi tiết kiệm. Chị Hồng xác nhận và đã nộp lại 12 tỷ đồng cùng tiền lãi cho Cơ quan điều tra (tổng cộng 13.465.783.892 đồng). Tài liệu điều tra thể hiện, sau khi chết, Đặng Sỹ Hùng không có tài sản riêng. |