Siêu dự án thép 230.000 tỷ của Hoa Sen “thừa kế” Vinashin-Lion

Tổ hợp dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD, tương đương 230.000 tỷ đồng thừa kế Dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion đã từng được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Hoa Sen, chủ đầu tư của dự án này, một phần diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và diêm nghiệp.

Trước đó, thời điểm tháng 9/2008, dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion do Vinashin và Lion Group (Malaysia) làm chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu 9,8 tỷ USD là dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất Việt Nam.

Cũng thời điểm này, siêu dự án đã được đặt rất nhiều kỳ vọng với mục tiêu xây dựng và vận hành khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển oxy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội, đề ra kế hoạch giai đoạn 2008-2011 sẽ hoàn thành tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

sieu du an thep 230000 ty cua hoa sen thua ke vinashin lion

Một phần diện tích đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng, đất thu hồi chủ yếu là đất nông nghiệp và diêm nghiệp.

Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự án chậm triển khai và cuối cùng, Lion Group đã tuyên bố rút khỏi Dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư dự án này.

Sau khi Lion Group rút đi, dự án khu liên hợp thép được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương để chuyển đổi dự án thành Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 1.000 ha vào tháng 5/2011.

Tuy nhiên, ngày 19/5/2016, UBND Ninh Thuận đã chính thức thông báo việc đồng ý hủy bỏ chủ trương cho liên doanh giữa CTCP Tập đoàn Phát triển năng lượng Đại Dương và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng vật liệu nghiên cứu, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cà Ná.

Nhiều câu hỏi quanh dự án tỷ USD

Giống như nhiều dự án tỷ USD khác, chủ đầu tư đề cập đến nhiều tác động tích cực của dự án đối với kinh tế cả nước nói chung và kinh tế xã hội tại địa phương nói riêng có thể kể đến như giải quyết công ăn việc làm cho 40.000-45.000 người và ưu tiên sử dụng lao động địa phương...

Tuy nhiên, dự án này gây tò mò cho dư luận về quy mô lớn của dự án, câu hỏi đặt ra có cần thêm một dự án thép quy mô lớn như này hay không, vấn đề môi trường liên quan đến sản xuất thép vừa qua cũng gây bức xúc và Hoa Sen lấy đâu tiền để đầu tư cho dự án khủng như vậy?

Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen cam kết, đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường nên trước mắt có thể nói sẽ xử lý theo công nghệ hoàn toàn khác dự án Formosa Hà Tĩnh.

Theo ông Vũ, nếu dự án của Hoa Sen xảy ra tình trạng tương tự như Formosa, những cổ phần, tài sản, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng đang có của ông tại Tập đoàn Hoa Sen sẽ giao hết cho nhà nước.

Trao đổi với BizLIVE, một chuyên gia trong lĩnh vực hoá chất cho biết, sản xuất thép sẽ thải ra môi trường các chất thải rắn, chất thải khí, chất thải lỏng do đó cần kiểm chặt chẽ nhất là dự án có quy mô lớn như dự kiến.

“Việc chủ đầu tư đưa ra những cam kết như đặt cược 4.000 tỷ đồng vốn mà ông có tại doanh nghiệp thời điểm này là hoàn toàn dễ hiểu nhưng không ngoại trừ khả năng khi dự án đi vào triển khai sẽ có những trục trặc, phát sinh”, vị này nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.