Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau 6 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Trước khi có Luật Nhà ở 2014, chỉ có 126 cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đến nay, trên phạm vi cả nước đã có 240 tổ chức và 1.784 cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội (1.018), TP HCM (778), Bình Dương (152), Bà Rịa - Vũng Tàu (41), Đà Nẵng (12)…
Số lượng người nước ngoài sở hữu cũng đa dạng gồm nhiều quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia…
Luật Nhà ở 2014 quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy ghi nhận nhiều kết quả, nhưng theo Bộ Xây dựng, quy định về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài vẫn có một số tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, một số quy định về trách nhiệm theo dõi, quản lý sở hữu nhà ở của người nước ngoài còn phân tán tại nhiều văn bản và chưa rõ ràng, dẫn đến việc chậm triển khai thực hiện và chưa thống nhất.
Luật Nhà ở, Nghị định 99/2015 và Thông tư 19/2016 đã quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc theo dõi, quản lý sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài; tuy nhiên, thực tế các địa phương còn chậm công bố khu vực cho phép dự án bán nhà ở, chậm cập nhật thông tin; việc gửi thông tin, số lượng giấy chứng nhận đã cấp còn chưa đầy đủ.
Thứ hai, quy định về khu vực không cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở còn có cách hiểu khác nhau. Bộ Quốc phòng đề nghị chỉ công bố khu vực cho phép người nước ngoài sở hữu (chứ không công bố khu vực không cho phép)
Cuối cùng, một số quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đảm bảo tính thống nhất đồng bộ giữa pháp luật nhà ở và pháp luật đất đai.
Luật Nhà ở 2014 chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên lại chưa có quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài có được phép nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hay không (không quy định rõ cấm hay được phép). Điều này dễ dẫn đến tình trạng lách luật để đầu tư, mua đi bán lại nhà ở.
Bộ Xây dựng cho rằng cần thiết bổ sung quy định cụ thể rõ ràng về việc không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán để tránh tình trạng kinh doanh, đầu cơ nhà ở.
Theo quy định của pháp luật về nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với loại căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà liền kề trong dự án). Tuy nhiên, một số địa phương phản ánh việc thực hiện quy định này trên thực tế là không khả thi vì Luật Đất đai không quy định đối tượng sử dụng đất là cá nhân nước ngoài. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở cho cá nhân nước ngoài khi thực hiện mua nhà ở riêng lẻ trong dự án.
Theo dữ liệu của Savills, Việt Nam là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, nhà ở đô thị là phân khúc nhận được đơn đặt hàng nhiều nhất từ các nhà đầu tư.
Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu, đây vẫn là phân khúc mang lại nhiều lợi nhuận và tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các loại bất động sản như văn phòng, căn hộ cho thuê có vị trí đẹp, tình trạng vận hành bảo dưỡng tốt, thời gian sử dụng đất còn dài cũng là những tài sản đầu tư ưa thích đối với những nhà đầu tư nước ngoài.