Số phận của 'công chúa Huawei' sắp được định đoạt

Tại phiên tòa, thẩm phán sẽ cân nhắc liệu tội phía Mỹ cáo buộc có phải là một tội theo luật pháp Canada. Nếu đó không phải tội ở cả hai quốc gia, bà Mạnh sẽ được thả tự do.

Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của Huawei đang có mặt tại tòa án Canada để tham gia vào phiên xét xử dẫn độ về Mỹ. Theo CNN, quyết định của thẩm phán không chỉ ảnh hưởng đến bà Mạnh, mà còn tác động không nhỏ đến tương lai của Huawei, công ty đang bị mắc kẹt giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Bà Mạnh bị bắt vào tháng 12/2018, tại Vancouver, Canada theo yêu cầu từ phía chính phủ Mỹ. Con gái ông Nhậm Chính Phi đối mặt với hàng loạt cáo buộc như lừa đảo, ăn cắp bí mật thương mại và không tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, cả bà Mạnh và Huawei đều phủ nhận cáo buộc này. Đồng thời, bà Mạnh cũng cho rằng các quan chức Mỹ và Canada đã giam giữ, thẩm vấn bà một cách bất hợp pháp.

Số phận của 'công chúa Huawei' sắp được định đoạt - Ảnh 1.

Bà Mạnh bị quản thúc tại một căn hộ ở Vancouver, Canada. (Ảnh: Reuters).

Sự việc trên không chỉ khiến quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng, nó còn đặt Canada vào tình thế khó xử, khi đứng giữa 2 cường quốc trên thế giới. Thời gian gần đây, Washington và Bắc Kinh đã đạt được một số thỏa thuận tạm thời trong cuộc chiến dai dẳng này. Tuy nhiên, tình cảnh hiện tại của bà Mạnh cho thấy rõ nhất những căng thẳng trên vẫn chưa biến mất hoàn toàn.

Quy trình dẫn độ phức tạp

Trước khi tham gia phiên tòa xét xử, bà Mạnh bị quản thúc tại một căn hộ ở Vancouver. Theo SCMP, cuộc sống bị quản thúc tại gia của bà hiện tại được coi là khá thoải mái. Tờ BBC bình luận rằng bà ấy đang bị “mắc kẹt trong một cái lồng mạ vàng”. Bà Mạnh có thể tự do di chuyển trong phạm vi gần 260 km vuông của Vancouver, miễn là về trước giờ giới nghiêm (23h). Bà cũng được tự do tiếp khách.

Tại phiên tòa này, thẩm phán sẽ cân nhắc liệu tội phía Mỹ cáo buộc có phải là một tội theo luật pháp Canada. Phía bào chữa cho rằng Mỹ đã tìm cách biến khiếu kiện về vi phạm lệnh cấm vận trở thành một vụ án lừa đảo, để dễ dẫn độ bà hơn. Theo luật sư của bà Mạnh, nếu hành vi của bà diễn ra tại Canada, thì nó sẽ không vi phạm lệnh cấm vận nào của Canada.

Tuy nhiên, phía công tố cho rằng bà đã nói dối HSBC, khiến cho họ không đánh giá chính xác về các rủi ro khi làm việc với Huawei. Do vậy, đây có thể coi là tội lừa đảo.

Nếu bị quy phạm tội ở cả 2 quốc gia, hay thuật ngữ chuyên môn gọi là "tội phạm kép", bà Mạnh sẽ bị dẫn độ về Mỹ. Tuy nhiên, điều này không diễn ra ngay lập tức.

Số phận của 'công chúa Huawei' sắp được định đoạt - Ảnh 2.

Bà Mạnh đến phiên tòa xét xử tại Vancouver. (Ảnh: Reuters).

Sau khi phiên điều trần kết thúc, vụ kiện vẫn có thể kéo dài thêm vài tháng hoặc hàng năm. Các phiên tòa tiếp theo sẽ xem xét thêm các yếu tố khác. Một thẩm phán liên bang sẽ xem xét có nên chuyển vụ việc này lại cho Bộ trưởng Tư pháp Canada hay không. Lúc này, Bộ trưởng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc dẫn độ bà Mạnh.

Trong trường hợp tòa án nhận thấy chưa đủ điều kiện để kết luận tiêu chuẩn “tội phạm kép”, bà Mạnh sẽ được thả tự do. Trong thời gian này, bà vẫn có thể sống ở căn hộ xa hoa của mình và dành thời gian cho sở thích vẽ tranh hoặc học thêm. Từ chỗ chỉ gọi vài lần mỗi năm, giờ đây bà Mạnh nói chuyện với cha của mình vài lần một tuần qua điện thoại.

CNN nhận định sự việc này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ của 3 quốc gia liên quan. Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng. Trung Quốc bắt giữ cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, vì các cáo buộc về gián điệp, đe dọa an ninh Trung Quốc. Họ bị từ chối quyền tiếp cận với luật sư và không thể gặp gia đình. Cuộc sống của họ trái ngược hoàn toàn với bà Mạnh.

Mới đây nhất, trong cuộc họp ngày 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã đưa ra bình luận, rằng Canada nên khắc phục sai lầm, đồng thời hối thúc quốc gia này thả "công chúa Huawei".

'Một năm khó khăn'

Tình hình hiện tại của bà Mạnh cũng đang vẽ ra cho Huawei năm 2020 đầy khó khăn. Năm 2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump  liên tục thực hiện các cuộc chiến pháp lý chống lại gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, phá vỡ mọi hoạt động của công ty tại Mỹ.

Giữa tháng 5/2019, hãng đã bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, bị hạn chế giao dịch cũng như sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng cáo buộc công ty có "mối quan hệ mật thiết với chính phủ và bộ máy quân sự Trung Quốc".

Số phận của 'công chúa Huawei' sắp được định đoạt - Ảnh 3.

Mỹ liên tục kêu gọi các đồng minh quay lưng với Huawei. (Ảnh: BBC).

Bên cạnh những cáo buộc về việc vi phạm lệnh trừng phạt với Iran, chính quyền liên bang cũng cho rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã cố gắng đánh cắp bí mật thương mại từ T-Mobile.

Chưa dừng lại ở đó, Mỹ cũng liên tục kêu gọi các quốc gia đồng minh không sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Huawei cung cấp, với lí do lo ngại an ninh quốc gia. Hiện tại, Australia đã cấm sử dụng thiết bị mạng 5G từ Huawei. Trong khi đó, Anh và Đức vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

"Tôi không muốn đất nước của chúng ta trở thành thù địch với các nhà đầu tư nước ngoài một cách không cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ không để ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.

chọn
Hà Nội đang giải phóng mặt bằng để đấu giá khu đất vàng đối diện Aeon Mall Long Biên
Lô đất có diện tích 1,35 ha ở chân cầu Vĩnh Tuy thuộc địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên đang được giải phóng mặt bằng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật để đấu giá.