Vụ 4 trẻ tử vong: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh họp báo chớp nhoáng trong 5 phút |
Sốc nhiễm khuẩn là tình trạng đáp ứng của toàn cơ thể với vi khuẩn gây bệnh dẫn đến tụt huyết áp đi đôi với triệu chứng suy giảm chức năng của các cơ quan do thiếu máu, thiếu oxy tổ chức mặc dù đã bù đủ khối lượng dịch tuần hoàn.
Virus và nấm cũng là nguyên nhân gây sốc nhiễm khuẩn, nhưng thường gặp hơn là vi khuẩn. Biểu hiện của nhiễm khuẩn và sốc nhiễm khuẩn thường xảy ra trên các triệu chứng của bệnh lý có sẵn và của nhiễm khuẩn khởi phát ở người bệnh như: viêm não mô cầu triệu chứng lúc khởi bệnh rất khó phân biệt với trường hợp nhiễm khuẩn toàn thân.
Hầu hết các bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn sớm đều có biểu hiện của tình trạng nhiễm khuẩn. Thay đổi về nhiệt độ: sốt hoặc hạ nhiệt độ, có thể kèm theo rét run.
(Ảnh: Thời báo) |
Biểu hiện hạ nhiệt độ thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng nặng hay những trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch. Sốt cao trên 41 độ C cần chú ý đến nhiễm khuẩn màng não. Nhịp tim nhanh và thở nhanh cũng thường biển hiện ở giai đoạn sớm.
Cung lượng tim tăng ở giai đoạn này gọi là giai đoạn tăng động, là cơ chế bù trừ của cơ thể để duy trì cung cấp oxy, và phù hợp với nhu cầu tăng chuyển hoá. Thay đổi tri giác theo từng mức độ: lo lắng, thờ ơ, lú lẫn… Các tổn thương da xuất hiện các dạng ban khác nhau như: đốm xuất huyết, bầm máu, hồng ban, ban lan toả.
Giai đoạn muộn, các triệu chứng lâm sàng phù hợp với cơ chế của phản ứng nhiễm khuẩn. Cung lượng tim giảm gây giảm huyết áp, tuy nhiên ở trẻ em huyết áp thường giảm muộn hơn. Biểu hiện suy tim cùng với nhip tim nhanh là ứ đọng tuần hoàn: phù, gan to, tiểu ít…Trẻ có thể tím tái, suy hô hấp. Dấu hiệu tri giác có thể nặng hơn, li bì hoặc hôn mê, lượng nước tiểu giảm, vàng da...
(Ảnh: VNExpress) |
Sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn gây tử vong 40 – 60%. Theo thống kê, tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân có sự thay đổi: 36% bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng không có sốt, 40% có nhịp thở bình thường, 10% có nhịp tim bình thường và 33% có số lượng bạch cầu bình thường.
ThS. BS Nguyễn Hồng Hà, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Sốc nhiễm khuẩn là một cấp cứu y khoa. Đối với các bệnh truyền nhiễm hiện nay tỷ lệ vẫn còn cao 40 -70% nếu nhập viện muộn, không được xử trí kịp thời. Do tình trạng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn kèm hạ huyết áp (huyết áp tối đa < 90mmHg hoặc thấp hơn 40mmHg so với huyết áp bình thường của bệnh nhân) kéo dài ít nhất 1 giờ cho dù đã bù đủ dịch hoặc phải sử dụng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp tối đa ở mức 70mmHg. Khi đó, dù được các bác sĩ và phương tiện cấp cứu nhanh nhất thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân không thể tránh khỏi".
Hiện tỷ lệ tử vong của sốc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn nặng còn cao, nằm trong nhóm nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước đang phát triển và là nhóm bệnh ngày càng tăng ở các nước phát triển. Tỷ lệ này thay đổi tuỳ theo điều kiện về kinh tế xã hội của từng nước, tại Mỹ và các nước phát triển tỷ lệ này khoảng từ 10% đến 50%. Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê toàn quốc, nhưng tại một số bệnh viện tỷ lệ này là 60% ở người lớn và khoảng 70-80% cho trẻ em.
Nhận biết triệu chứng sớm trên lâm sàng để có thái độ xử trí kịp thời theo triệu chứng là vấn đề tiên quyết nhằm giảm tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn. Các yếu tố tiên lượng nặng và tử vong trong sốc nhiễm khuẩn cần được áp dụng trên lâm sàng để theo dõi, đánh giá, xử trí trong điều trị sốc nhiễm khuẩn, chứ không chỉ là yếu tố đánh giá tử vong của bệnh nhân.
Chính vì vậy, đối với bệnh nhân khi có triệu chứng mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý chẩn đoán bệnh, tự mua thuốc sử dụng, khi biểu hiện nặng mới đến bệnh viện khiến cho tình trạng bệnh trầm trọng, nhiều biến chứng gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Ngày 20/11, tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã xảy ra vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong bất thường. Đây là những trẻ sinh non gồm 3 trẻ 8 ngày tuổi và một trẻ 4 ngày tuổi. 4 trẻ tử vong gồm 2 bé trai và 2 bé gái, cân nặng từ 1,6kg - 2,3kg, sinh non từ 32 - 35 tuần bị suy hô hấp nặng, được chỉ định điều trị nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch... Sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan chức năng và chuyên môn của Bắc Ninh đã vào cuộc và xác định nguyên nhân ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn trên trẻ đẻ non suy hô hấp.
|