Mất chức thầy mo vì dân không tin có “ma rừng”
Khác hẳn với nhiều năm về trước, người Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) giờ đây đã biết căn nguyên nhiều chuyện ở bản không phải do con “ma rừng”, không phải do Giàng bắt tội. Và đến nay, những lúc ngã bệnh, thay vì tìm đến thầy mo, người Chứt đã tự đến Trạm BP Rào Tre (Đồn BP 565) nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng cắm bản.
Nếu như thời gian này vào những năm về trước, trong ngôi nhà ông Hồ Phúc đang tất bật với những công việc như cúng bái, chữa bệnh thì nay ông thầy mo này lại nhàn rỗi, ngồi trong góc nhà với tâm trạng buồn rầu, chán nản vì mới bị mất chức thầy mo của bản.
Ông Hồ Phúc, từng là thầy mo của bản, nhưng nay đã bị phế chức vì dân không còn tin vào con ma rừng. |
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ban đầu ông Hồ Phúc có vẻ ngại ngùng khi hỏi đến công việc ngày trước của mình. Nhưng sau một hồi gặng hỏi ông mới xác nhận mình là thầy mo, đồng thời khoe những chiến công: “Ngày trước tôi chữa bệnh giỏi lắm, người trong bản tôi cứu chữa sống được rất nhiều đấy. Chẳng là giờ già rồi bắt bệnh không đúng nên ông Hồ Phương lên thay tui làm thầy mo thôi chứ! ”.
Nói đến đây, ông Hồ Phúc tháo ngay một chiếc vòng đang đeo trên cổ ra và nói: “Đây, cái này là vòng do cha tôi để lại khi ông ấy cũng là thầy mo của bản. Cứ cầm cái vòng này, nhìn vào và nhắm mắt lại thì sẽ nghe ma rừng nói. Nếu ma rừng nói chữa được thì tôi chữa, còn ma rừng mà nói không chữa được thì tôi không chữa được đâu. Lúc ấy ma rừng bắt đi thì chỉ có đường chết thôi. Khi bắt bệnh xong, ma rừng sẽ chỉ ngay thuốc chữa. Chủ yếu thuốc chữa là bằng những lá cây ở rừng thôi uống xong sẽ khỏe ngay”.
Bản Rào Tre hiện nay có 41 hộ dân, với 139 nhân khẩu. |
Như những năm về trước, bằng những cách chữa bệnh kỳ quái của thầy mo, và việc tin vào con “ma rừng” bắt tội đã cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng của đồng bào nơi đây. Nhưng giờ đây, nhờ có được sự tuyên truyền vận động của cán bộ chiến sĩ cắm bản, người dân nơi đây đã phần nào nhận thức được những hủ tục bất phi lý của đồng bảo mình cần được thay thế. Và hình ảnh về một thầy mo chữa bệnh bằng các phương thuốc nay chỉ còn là dĩ vẵng.
Nơi bản Rào Tre, những người lính biên phòng vẫn đang miệt mài với việc hiện thực hóa những giấc mơ cho người Chứt. Họ vẫn lặng lẽ, vun đắp, đồng hành gieo mầm hạnh phúc, và tìm lối ra cho tình trạng hôn nhân cận huyết của đồng bào Chứt. Bắt đầu từ việc triển khai đề án 2571 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về gìn giữ, bảo tồn và phát triển mọi mặt của dân tộc Chứt.
Bị tẩy chay vì cho là đã làm ngược ý Giàng?
Từ năm 2015 đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến tướng, bản Rào Tre đã có 5 cặp đôi lấy người ngoài bản. Đó được xem là dấu móc lịch sử đưa người Chứt thoát khỏi cuộc tình cận huyết đầy tội lỗi.
Và câu chuyện về Hồ Sông, một người phụ nữ dân tộc Chứt, là người duy nhất trong bản nhận thức được những hệ lụy từ hôn nhân cận huyết. Bà được xem là người tân tiến với nhiều lời cảnh báo về chuyện anh em họ hàng lấy nhau. Tuy nhiên như những cái cây trong rừng, như con cá trong lòng suối, bà bất lực, thậm chí còn bị tẩy chay vì bị cho là đi ngược ý Giàng, làm sai lệ bản.
Hồ Sông, một người phụ nữ dân tộc Chứt, là người duy nhất trong bản nhận thức được những hệ lụy từ hôn nhân cận huyết. |
Khi hỏi đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống, bà Hồ Sông chỉ lắc đầu và tỏ vẻ ngán ngẩm: “Tôi nói có ai chịu nghe đâu, tôi cũng nói đến chuyện nên và không nên khi anh em họ hàng lấy nhau nhưng làng cứ bảo kệ. Nói thì bảo kệ, thế thì ai mà nói cho được. Nói nhiều còn bị dân làng chửi, còn xa lánh nữa chứ”.
Đưa ánh mắt nhìn về phía chân núi, bà Hồ Sông thở dài nói: “Trai bản chưa có vợ trong này nhiều lắm, mà con gái thì ít. Trai bản đi sang bản ở Quảng Bình tìm vợ thì bị đuổi, mà giờ gái trong bản thì toàn họ hàng anh em, nay cũng không có mà lấy. Không biết hôn nhân tại bản đến nơi nào mới mở lối”.
Bà Hồ Song, từng đi khuyên nhiều cặp đôi anh em, họ hàng lấy nhau nhưng không ai nghe. |
Dưới chân núi Giang Màn, bản Rào Tre hôm nay đã có những gam màu ánh sáng. Sau hơn 25 năm định cư nơi ở mới người Chứt đã dần ổn định cuộc sống, biết trống trọt, chăn nuôi... Thế nhưng chừng đó vẫn chưa đủ cho hành trình hòa nhập vào cộng đồng xã hội của người Chứt. Dù cố gắng, Rào Tre hôm nay vẫn còn đối mặt với bao nhiêu khó khăn và thử thách.
Được sự tuyên truyền vận động của bộ đội biên phòng, giờ người Chứt đã nhận ra được phần nào những lỗi lầm trong quá khứ mà bộ tộc mình đã gieo rắc. Tuy nhiên, vấn đề về hôn nhân cận huyết thống còn rất khó để tìm ra lời giải.
Bởi tại bản Rào Tre, các thanh niên trong độ tuổi kết hôn đang có sự chênh lệch đến mức đáng báo động khi cứ 14 nam thì chỉ có 1 nữ. Có lẽ sự cố gắng kiếm tìm người vợ Kinh cho thanh niên trong bản cũng không mấy dễ dàng đối với chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng. Dù có cái bụng có ưng thì cái miệng cũng rất khó để mở lời.