Ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố mức tăng lãi suất lớn nhất trong gần 30 năm, tiếp theo là lần tăng lãi suất thứ năm liên tiếp của Ngân hàng trung ương Anh và lần tăng lãi suất lần đầu tiên trong 15 năm tại Thụy Sỹ.
Những động thái trên đã làm chao đảo thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư lo ngại rằng dù chính sách tăng lãi suất là cần thiết, song biện pháp này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế nếu ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ quá mạnh tay.
Craig Erlam, một nhà phân tích tại công ty dịch vụ môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ), cho rằng nguy cơ xảy ra suy thoái đang ngày càng tăng khi các ngân hàng trung ương chạy đua để tăng lãi suất trước khi lạm phát tăng ngoài tầm kiểm soát.
Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London, cho rằng Fed đang cố tình điều chỉnh nhu cầu để giảm sức ép lạm phát và đường hướng này có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Một vấn đề khác là các nền kinh tế mới nổi có thể trở thành “nạn nhân” của các đợt tăng lãi suất khi việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá. Nhà kinh tế Frederick Ducrozet, thuộc công ty quản lý tài sản Pictet Wealth Management, cảnh báo sự mạnh lên của đồng USD sẽ tạo thêm gánh nặng trong việc trả nợ cho các quốc gia thường đi vay bằng đồng bạc xanh.
Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã khẳng định rằng lạm phát chỉ là "nhất thời" khi giá cả tăng lên do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.
Trụ sở Ngân hàng trung ương Canada (BoC). (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, giá năng lượng và lương thực đã tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine và đẩy lạm phát lên cao hơn, khiến các nhà kinh tế hạ thấp triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay. Đà tăng của lạm phát khiến các ngân hàng trung ương không còn lựa chọn nào khác là phải tăng lãi suất mạnh hơn so với kế hoạch.
Ngân hàng trung ương Australia đã tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến vào đầu tháng này trong khi Brazil tuần trước đã nâng lãi suất chuẩn lần thứ 11 liên tiếp. Nhiều mức tăng lãi suất đang xuất hiện ở Mỹ và châu Âu. Nhưng chính Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ đã gây ra cú sốc lớn nhất vào ngày 16/6 khi công bố mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, ghi dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007.
Michael Hewson, trưởng nhóm phân tích thị trường tại công ty môi giới CMC Markets (Anh), cho rằng hành động của SNB đáng chú ý ở chỗ quyết định tăng lãi suất đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ của ngân hàng này.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã hành động chậm hơn so với các ngân hàng khác, với thông báo chấm dứt kế hoạch mua trái phiếu khổng lồ và sẽ tăng lãi suất vào tháng tới - lần tăng đầu tiên sau một thập kỷ.
Theo các nhà quan sát, người tiêu dùng sẽ phải kiên nhẫn trước khi nhận thấy việc tăng lãi suất có ảnh hưởng đến giá cả. Trên thực tế, các ngân hàng trung ương không có quyền kiểm soát một số vấn đề đang làm gia tăng lạm phát, chẳng hạn như giá năng lượng và thực phẩm tăng cao và chuỗi cung ứng gặp khó khăn.
Capital Economics dự báo giá dầu, khí đốt và hàng hóa nông nghiệp sẽ bắt đầu giảm vào cuối năm nay. Điều này sẽ khiến lạm phát giảm nhưng tỷ lệ lạm phát cơ bản sẽ vẫn tăng.