Đầu tư bất động sản đạt kỷ lục bất chấp ‘sóng gió’ địa chính trị, lạm phát và lãi suất

Theo dữ liệu của JLL, đầu tư vào bất động sản đạt 292 tỷ USD trong quý I/2022. Đây là con số kỷ lục về mức đầu tư trong quý đầu tiên của năm. Trước đó, kỷ lục này được thiết lập từ năm 2018 với mức 225 tỷ USD.

Đằng sau con số bội thu là sự hồi sinh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19. Văn phòng, khách sạn và bán lẻ đều có số liệu đầu tư theo quý tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Sean Coghlan, người đứng đầu về chiến lược và nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu tại JLL cho biết, khi những bất ổn giảm bớt, đã có sự cải thiện rõ ràng về thiện cảm của nhà đầu tư đối với các lĩnh vực trên.

Tuy nhiên, tâm lý đầu tư vào bất động sản được cải thiện không có nghĩa là không còn sự thận trọng. Địa chính trị, lạm phát và lãi suất tăng đang kết hợp với nhau tạo ra sự không chắc chắn trên thị trường. Thời điểm này, có rất nhiều "biến số" mà nhà đầu tư bất động sản phải tính đến, bao gồm những thay đổi về chính sách tiền tệ, tắc nghẽn vận tải và thương mại, tình trạng thiếu lao động, cũng như áp lực nhu cầu được tạo ra bởi các công ty đang tìm cách dịch chuyển địa điểm văn phòng, nhà máy tới các quốc gia khác hoặc quay trở về quê hương.

 Đầu tư vào bất động sản toàn cầu đạt 292 tỷ USD trong quý I/2022. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Với lĩnh vực văn phòng, sau nhiều năm trong trạng thái giãn cách nghiêm ngặt, các công ty và nhân viên của họ đang háo hức trở lại nơi làm việc. Nhu cầu thuê văn phòng trong quý đầu năm nay đã cao hơn 36% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ tâm lý tự tin này, thị trường văn phòng đã chứng kiến ​​sự gia tăng mức đầu tư. Theo thống kê của JLL, 81 tỷ USD đã được bơm vào thị trường văn phòng toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 2007.

Theo ông Coghlan, các nhà đầu tư đang tập trung vào việc xác định cơ hội trong các lĩnh vực và JLL nhận thấy đầu tư văn phòng đang tiếp cận mức bình thường hóa, đặc biệt là ở châu Âu. 

Ông Matthew McAuley, Giám đốc nghiên cứu trong nhóm Global Insight của JLL cho biết: “Các công ty công nghệ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về không gian văn phòng. Ngành công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất về diện tích cho thuê ở Mỹ kể từ đầu năm nay”.

Niềm tin tương tự cũng thể hiện trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn. Khối lượng đầu tư bán lẻ toàn cầu ở mức 38 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm trước. Đầu tư vào khách sạn đạt 16 tỷ USD, tăng 127% trong cùng kỳ.

Lĩnh vực hậu cần và nhà ở cũng góp phần thúc đẩy một nửa hoạt động đầu tư trong quý đầu tiên. Trong lĩnh vực hậu cần, nguồn cung không gian mới khan hiếm đang đẩy giá thuê lên cao hơn, với mức tăng trưởng giá thuê hàng năm hiện ở mức 10% trên toàn cầu, ở Mỹ và Châu Âu lần lượt đạt 16% và 11%.

“Bất chấp mức độ xây mới kỷ lục, không gian nhà kho mới không thể được hoàn thành đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Do đó, tỷ lệ trống ở hầu hết các thị trường logistics lớn đều ở mức dưới 5%”, ông McAuley nhận định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.