Tái hôn và nỗi băn khoăn muôn thuở: 'Con anh, con tôi, con chúng ta...'

Hôn nhân lỡ dở một lần, đàn ông hay đàn bà đều như con chim sợ cành cong, chỉ nghĩ đến việc tái hôn là giật mình đắn đo, ngẫm ngợi. “Ta đâu phải đời độc thân để mà cứ yêu là cưới, còn con anh, con tôi, con chúng ta...”.
 

Với đàn ông là nỗi đau sau một lần dang dở

tai hon va noi ban khoan muon thuo con anh con toi con chung ta
Đàn ông không cạn tình như đàn bà vẫn nghĩ (Ảnh: Pinterest)

Hôn nhân là một từ khóa “hot” kể từ thuở đàn ông biết gắn kết với đàn bà để tạo ra hạnh phúc. Ai cũng nghĩ đích đến của tình yêu chính là hôn nhân, vì vậy mà chúng ta nên vợ, thành chồng. Có thế nói, hôn nhân là phép thử của tình yêu, nếu yêu thương đủ lớn, vợ chồng sẽ cố gắng vì nhau mà cùng vượt qua những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống gia đình. Nếu không, chuyện li hôn là điều tất yếu.

Đàn ông sau li hôn ai cũng nghĩ họ sung sướng hơn phụ nữ vì đa phần trách nhiệm nuôi con sẽ thuộc về người mẹ, đàn ông sẽ được rảnh rang hơn trong cuộc sống, ngoài việc phải phụ cấp nuôi con, thời gian và lối sống của đàn ông sẽ được tự do, thoải mái hơn. Vì thế, họ có xu hướng tái hôn dễ dàng hơn phụ nữ, nhưng thực tế có phải là như vậy?

Đàn ông không cạn tình nhanh như chúng ta vẫn tưởng, nhất là với những người đàn ông không may mắn trong hôn nhân: Vợ mất đột ngột hoặc vợ ngoại tình. Đó thực sự là cú sốc lớn với họ. Vì không phải là họ không còn yêu, không còn nuối tiếc, hơn ai hết những người đàn ông đó sẽ mang nỗi đau ấy đến suốt đời, dù họ có tái hôn hay không.

Nỗi đau từ sự phản bội của vợ cũ cũng khiến đàn ông cảm thấy sợ hãi phụ nữ và nghi ngại về hạnh phúc của hôn nhân. Họ sợ bi kịch hôn nhân sẽ lặp lại, sợ chuyện mẹ ghẻ con chồng, sợ chính bản thân mình không còn đủ tin yêu vào người bạn đời sau này... Sự băn khoăn ấy khiến họ thà làm bố đơn thân còn hơn đi thêm bước nữa.

Với đàn bà là chuyện “con anh, con tôi”

tai hon va noi ban khoan muon thuo con anh con toi con chung ta
Với phụ nữ, chuyện "con anh, con tôi, con chúng ta" luôn khiến họ băn khoăn khi nghĩ đến chuyện tái hôn (Ảnh: Pinterest)

Đương nhiên, sau một cuộc hôn nhân tan vỡ phụ nữ bao giờ cũng thiệt thòi. Phải nuôi con một mình, đủ thứ áp lực công việc, chăm sóc con cái, các mối quan hệ xung quanh, sự cô đơn trống trải, những băn khoăn về chuyện nên ở vậy hay tái hôn luôn tồn tại và họ phải thường xuyên đấu tranh về điều đó.

Ở vậy thì cô đơn, trống trải, phụ nữ vốn yếu mềm, làm sao chịu cảnh đơn thân gối chiếc mãi? Tuổi xuân cứ thế trôi qua, nỗi đau thì cũng nguôi ngoai dần, người đàn ông khác cũng đã đến bên đời, thế nhưng...

Tái hôn thì sao? Thì câu chuyện “rổ rá cạp lại” nghe đầy chua chát, con anh – con tôi - con chúng ta, làm sao để giải quyết chuyện con riêng, con chung cho thấu tình, đạt lý? Mà thấu làm sao khi miệng đời đã dạy “mấy đời bánh đúc có xương”, cho dù phụ nữ đã và đang làm mẹ cũng rất khó khăn trong việc nuôi dạy con của mình chứ đừng nói đến chuyện nuôi dạy con người khác. Không những thế, chỉ cần “mẹ kế” nặng lời nửa câu là thiên hạ sẽ bỉ bôi: “Biết ngay mẹ ghẻ con chồng!”.

Nếu tái hôn với người trai tân thì mang tiếng “nạ dòng” (dù chẳng hiểu sao dư luận lại có cái nhìn áu trĩ và thiên lệch về chuyện gái một đời chồng đến thế), đủ thứ áp lực làm dâu, làm mẹ, làm vợ...

tai hon va noi ban khoan muon thuo con anh con toi con chung ta
Làm sao để dung hòa mối quan hệ giữa con riêng, con chung khi tái hôn là vấn đề nan giải của nhiều cặp đôi đi bước nữa (Ảnh: Pinterest)

Cuộc hôn nhân trước tan vỡ không có nghĩa là đàn bà hay đàn ông không được quyền mưu cầu hạnh phúc nữa. Thế nhưng, chuyện tái hôn vẫn là một vấn đề nan giải với người trong cuộc khi mà một trong hai bên đã có con riêng, đã có những ràng buộc từ một hạnh phúc không trọn vẹn, những so sánh cũ – mới, những lăn tăn về chính bản thân mình.

Tái hôn - tình yêu khi ấy không thể là nền móng vững chắc nữa, mà rất cần sự trưởng thành, chín chắn và trách nhiệm của hai con người từng tin tưởng vào tình yêu, để rồi tuột mất nó ngay trong cuộc hôn nhân cũ của mình.

chọn
Chung cư Hà Nội đã cắt sốt
Theo lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, khi mọi người xếp hàng để mua BĐS thì có nghĩa thị trường đang FOMO. Dự báo 3-6 tháng tới, khi lãi suất điều chỉnh tăng để giải quyết vấn đề tỷ giá, nhu cầu mua trên thị trường sẽ giảm.