Ảnh: Quora |
Nhiều người Arab Saudi giàu có đang chuyển bớt tài sản ra khỏi khu vực để tránh khả năng bị bắt giữ trong chiến dịch mà chính phủ Saudi gọi là bài trừ tham nhũng, theo Bloomberg trích dẫn nguồn tin riêng.
Một số tỷ phú và triệu phú Saudi đang bán các tài sản đầu tư tại các quốc gia vùng Vịnh, họ biến nó thành tiền mặt hoặc tài sản lưu động khác và chuyển nó ra nước ngoài. Tại Saudi Arabia, nhiều người khác cũng đang có các cuộc bàn thảo bí mật với ngân hàng và các chuyên gia quản lý quỹ để chuyển tiền ra khỏi đất nước.
Trước hàng loạt đợt bắt bớ gây bất ngờ trong tuần trước, giới giàu có tại Saudi Arabia đang nhắm đến hàng loạt các ngân hàng nước ngoài như Deustche Bank AG, UBS Group, Credit Suisse và nhiều ngân hàng toàn cầu khác để quản lý tài sản của họ. Họ lo ngại mình sẽ trở thành mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ. Chiến dịch này đang nhắm tới nhiều hoàng tử, tỷ phú và quan chức chính phủ Saudi Arabia.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã yêu cầu nhiều ngân hàng tại quốc gia này đóng băng tài khoản của rất nhiều cá nhân thậm chí chưa bị đưa vào danh sách bắt giữ, ngoài ra, tiền trong ngân hàng của tất cả những người bị bắt giữ đã bị phong tỏa. Trong thông báo đưa ra vào tuần trước, công tố viên của Saudi Arabia tuyên bố đợt bắt giữ vừa qua mới chỉ là giai đoạn một của đợt thanh trừng lần này.
Không chỉ dừng lại ở trong Saudi Arabia, Ngân hàng Trung ương Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã yêu cầu các tổ chức tài chính cung cấp thông tin về tài khoản của 19 công dân Saudi Arabia.
Các ngân hàng bị buộc phải cung cấp toàn bộ thông tin tài chính liên quan đến 19 cá nhân đó bao gồm số lượng tài khoản ngân hàng, tài khoản tiền gửi, các khoản đầu tư, khoản tín dụng, hộp tiền gửi an toàn, thông tin chuyển tiền.
Theo chuyên gia kinh tế tại Capital Economics khu vực Trung Đông, ông Jason Tuvey, dù tất nhiên ai cũng đánh giá cao nỗ lực phòng chống tham nhũng của chính phủ Saudi Arabia, tuy nhiên chiến dịch bị thực hiện quá mạnh tay khiến nhà đầu tư hoảng sợ.
Ông khẳng định giới đầu tư tài chính đang bắt đầu lo ngại về khả năng bất ổn chính trị sẽ dẫn đến thời kỳ dòng vốn tháo chạy khỏi Saudi Arabia, vì lý do đó, dự trữ ngoại tệ của Saudi Arabia sẽ sụt giảm rất nhanh.
Sự sợ hãi về tác động tiêu cực của các đợt thanh trừng đã lan rộng trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia và nhiều nước khác tại vùng Vịnh. Trong ngày thứ Ba, nhà đầu tư đã bán ròng 92,5 triệu USD cổ phiếu trên sàn chứng khoán Dubai, tỷ lệ bán ròng như vậy cao nhất từ tháng Hai. Đợt bán mạnh trên khắp các thị trường chứng khoán khu vực vùng Vịnh đã khiến giá trị vốn hóa thị trường sụt giảm 17,6 tỷ USD chỉ trong ba phiên đầu tuần.
Đợt thanh trừng tại Saudi Arabia đang ảnh hưởng đến rất nhiều gia đình giàu có nhất tại đây. Đã nhiều thập kỷ trôi qua, họ hưởng lợi từ mối quan hệ của mình với chính quyền để giành được nhiều hợp đồng lớn với nhiều công ty nước ngoài muốn thâm nhập vào nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab.
Đợt thanh trừng diễn ra ở thời điểm nền kinh tế Saudi Arabia đang cố gắng chống chọi với tình trạng giá dầu giảm: Thất nghiệp tại Saudi Arabia đang tăng, nguồn thu từ những hoạt động kinh doanh ngoài dầu mỏ gần như không tăng. Chính phủ Saudi Arabia đã huy động hàng chục tỷ USD từ thị trường trái phiếu quốc tế. Thâm hụt ngân sách năm 2015 của Saudi Arabia lên đến 15% GDP.
Việc hàng loạt người giàu có chuyển dịch tài sản hoàn toàn không đáng ngạc nhiên nếu xét đến quy mô của nhiều đợt bắt giữ trong cuối tuần qua, theo khẳng định của đồng trưởng bộ phận đầu tư vào thị trường các nước mới nổi thuộc quỹ Capricorn Fund Managers, ông Emad Mostaque.
Tuy nhiên ông Mostaque cho biết Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia có quyền lực và hệ thống đủ mạnh để theo dõi chặt chẽ với các ngân hàng toàn cầu để bất kỳ tài sản nào bị phát hiện có nguồn gốc từ tham nhũng sẽ bị chuyển về đất nước.