Tăng trưởng tới 200%, xe công nghệ đếm tiền mỏi tay mùa dịch Covid - 19

Hãng gọi xe công nghệ Be cho biết trong thời gian qua lượng khách sử dụng dịch vụ giao nhận hàng đã tăng 200%, khi người tiêu dùng hạn chế đi ra ngoài trước bối cảnh dịch Covid - 19 bùng phát.

Các hãng gọi xe công nghệ hốt bạc tỉ thời Covid - 19

Tại một quán đồ ăn nhanh trên mặt đường Bà Triệu, Hà Nội tấp nập bóng áo đồng phục của các tài xế công nghệ, vào ra. Lâm, 19 tuổi, nhân viên chế biến tại đây, cho biết lượng khách hàng đặt online đã chiếm gần như toàn bộ số đơn hàng trong ngày của quán. 

“Quán khai trương từ đầu năm 2019, trước đó lượng khách mua hàng trực tuyến và lượng khách đến quán mua trực tiếp là 50-50. Tuy nhiên kể từ đầu năm nay, số đơn đặt hàng online qua các kênh ứng dụng đã tăng vọt lên 90%” Lâm kể. 

“Quán vắng không một bóng khách, nhưng doanh số vẫn ổn định so với năm ngoái”. 

Việc kinh doanh online của quán diễn ra chủ yếu trên các ứng dụng gọi xe công nghệ có tích hợp dịch vụ gọi đồ ăn như GrabFood, GoViet, Now,…

Tăng trưởng tới 200%, các hãng gọi xe công nghệ hốt bạc mùa Covid - 19 - Ảnh 1.

Các cửa hàng đã nhanh chóng chuyển sang hình thức bán online thông qua các ứng dụng giao nhận trong mùa dịch Covid - 19. (Ảnh: Thiên Trường).

Trong khi đó, tại một cửa hiệu quần áo nằm trên đường Tràng Tiền, Linh - 22 tuổi, một nhân viên bán hàng cho chia sẻ: “Từ đầu mùa dịch đến nay, lượng khách hàng của shop chủ yếu đến từ các kênh bán hàng trực tuyến”.

Cửa hiệu này đã tung ra các chương trình như giao hàng nhanh trong 3 giờ đầu, miễn phí giao hàng,… sử dụng dịch vụ GrabExpress của hãng gọi xe công nghệ này để triển khai chương trình, thu hút lượng khách hàng mua sắm trực tuyến. 

Theo hãng gọi xe công nghệ Be, dịch vụ giao nhận hàng beDelivery của hãng đã tăng trưởng chóng mặt lên tới 200% trong thời gian vừa qua, so với thời điểm trước dịch Covid-19. Trung bình mỗi ngày dịch vụ này có khoảng 15.000 lượt yêu cầu. 

Ông lớn Grab cho biết chưa có thống kê cụ thể về mức tăng trưởng dịch vụ trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo Cimigo - một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, Moca - hình thức thanh toán điện tử của Grab, là một trong 3 ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam trong thời gian qua, chiếm tới 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Theo Cimigo, trung bình mỗi tài khoản Moca tại Việt Nam thực hiện 2,2 giao dịch mỗi ngày, với số tiền chi tiêu khoảng 506.000 đồng. 

Các loại thanh toán chủ yếu qua Moca là giao đồ ăn và gọi xe công nghệ. 

Dịch Covid - 19: Cơ hội vàng để tăng lượng khách hàng

Trước diễn biến dịch Covid - 19 ngày càng phức tạp, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập đông người ở những nơi như quán bar, rạp chiếu phim, nhà hàng, siêu thị,…

Nắm bắt được cơ hội, các hãng gọi xe đã nhanh chân tung ra hàng loạt những dịch vụ mới như mua đồ hộ, giúp khách hàng có thể ngồi ở nhà mà vẫn mua sắm thoải mái. 

Be đã cho ra mắt dịch vụ “Be đi chợ”, còn đối thủ Grab cũng đang thử nghiệm dịch vụ GrabMart. Việt Nam là quốc gia thứ 4 sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia Grab triển khai dịch vụ này.

Tăng trưởng tới 200%, các hãng gọi xe công nghệ hốt bạc mùa Covid - 19 - Ảnh 2.

Các hãng gọi xe đã nhanh chân tung ra hàng loạt những dịch vụ mới để hút khách hàng. (Ảnh: Thiên Trường).

Với loại hình dịch vụ mới này, khách chọn điểm mua hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng món hàng muốn mua và thông qua ứng dụng kết nối với tài xế có vị trí phù hợp nhất, để thực hiện công việc còn lại.

Theo đại diện của Be, sau một thời gian ngắn ra mắt đầu tháng 3/2020, “Be đi chợ” đã được một lượng lớn khách hàng hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM.

“Be nhận được hàng trăm lượt yêu cầu dịch vụ. Đây là tính năng khá hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường”, vị đại diện này chia sẻ.

Trong khi đó, dịch vụ GrabMart bước đầu đang được thử nghiệm tại TP HCM, với đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị,…

Phía Grab cho biết trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cửa hàng, đối tác liên kết, cùng nhiều mặt hàng khác sẽ tiếp tục được giới thiệu, bổ sung trên GrabMart.

Đánh giá bước đi này của các ứng dụng gọi xe, nhiều chuyên gia cho rằng, các hãng đã nhanh chóng nắm nắm bắt và giải quyết được nỗi lo lắng hạn chế đến những nơi công cộng, điểm mua bán tiếp xúc đông người như chợ truyền thống, siêu thị, tránh lây nhiễm dịch của nhiều người tiêu dùng. 

Đây được coi là một cơ hội để gia tăng nhanh số lượng người dùng trung thành, gắn bó với dịch vụ, và tiếp cận được những đối tượng khách hàng tiềm năng.

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam sớm cán mốc 4 tỉ USD?

Tăng trưởng tới 200%, các hãng gọi xe công nghệ hốt bạc mùa Covid - 19 - Ảnh 3.

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam sớm cán mốc 4 tỉ USD. (Ảnh: Thiên Trường).

Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co mới công bố gần đây, cho biết thị trường gọi xe tại Việt Nam đạt quy mô 1,1 tỉ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với thời điểm cách đây mới 4 năm.

Báo cáo dự kiến, đến năm 2025, quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam sẽ chính thức cán mốc 4 tỉ USD. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 4, sau lần lượt các quốc gia như Indonesia, Singapore và Thái Lan khi xét về quy mô tại Đông Nam Á.

Nếu như 4 năm trước, gọi xe đơn thuần chỉ là một dịch vụ hỗ trợ đi lại, thì nay hai mảng giao đồ ăn và dịch vụ tài chính lại trở thành động lực chính của nền tảng này. 

Đơn cử, trong tháng Tết vừa qua, GoViet cho biết hãng này đã nhận tổng gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, mang lại cho các đối tác nhà hàng doanh thu hàng chục tỉ đồng, tăng 120% so với cùng kì năm ngoái.

Đánh giá về lĩnh vực tăng trưởng mới của các hãng gọi xe, Google đưa nhận xét: “Tại Đông Nam Á, Grab và Go-Jek là những người đi đầu trong lĩnh vực giao thức ăn trực tuyến. Dịch vụ nhanh chóng trở thành nhân tố đóng góp vào tăng trưởng và lợi nhuận của họ”.

Một báo cáo gần đây của Euromonitor cho biết thị trường giao hàng thực phẩm Việt Nam trị giá 33 triệu đô la vào năm ngoái, và dự kiến sẽ đứng đầu 38 triệu đô la vào năm 2020.

Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường GCOMM cho thấy 99% số người được hỏi sử dụng dịch vụ giao thực phẩm ít nhất hai hoặc ba lần một tháng và 39% sử dụng chúng hai hoặc ba lần một tuần.