Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đặt mục tiêu lỗ gần 2.000 tỉ đồng trong năm 2020

FLC ước tính lỗ trước thuế cả năm 2020 gần 2.000 tỉ đồng, do tác động Covid-19. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch như hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng… đều là các lĩnh vực cốt lõi của FLC.

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa công bố, Công ty CP Tập đoàn FLC do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch ước tính kết quả kinh doanh năm nay sẽ không nhiều thuận lợi. FLC ước tính cả năm sẽ lỗ gần 2.000 tỉ đồng, do các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.

Ước lỗ gần 2.000 tỉ đồng vì Covid-19

FLC đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 12.500 tỉ đồng, giảm 22% so với kết quả thực tế đạt được năm 2019. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FLC lại còn nghiêm trọng hơn, từ mức lãi gần 800 tỉ đồng vào năm ngoái, FLC dự tính năm nay sẽ lỗ trước thuế 1.957 tỉ đồng.

"Trước diễn biến của dịch Covid-19, du lịch, hàng không và các dịch vụ thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp là những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Do đây đều là những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của  FLC, nên hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2020 bị ảnh hưởng lớn", lãnh đạo FLC nhận định.

Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết ước lỗ gần 2.000 tỉ đồng trong năm 2020 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết cho rằng dù Việt Nam bắt đầu các hoạt động khôi phục trở lại nền kinh tế nhưng kinh tế Việt Nam có sự liên thông và phụ thuộc vào kinh tế thế giới. Kinh tế khu vực Mỹ, châu Âu chưa khôi phục bình thường sẽ tác động lớn đến quá trình khôi phục nền kinh tế trong nước. 

"Kinh tế Việt Nam chắc chắn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân", FLC nhận định.

Ngay quý đầu tiên của năm 2020, Tập đoàn FLC đã báo lỗ trước thuế 1.887 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi 72 tỉ. Giải thích về khoản lỗ kỉ lục này, FLC cho biết do ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản, dẫn đến giá vốn bán hàng tăng mạnh so với cùng kì năm 2019.

Trong tổng lỗ hợp nhất trước thuế, đáng chú ý là khoản lỗ đến từ lĩnh vực hàng không. Ông Trịnh Văn Quyết cho biết riêng Bamboo Airways trong quý I/2020 đã lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, do số lượng chuyến bay bị cắt giảm trong giai đoạn dịch bệnh.

Như vậy, với số lỗ 1.887 tỉ đồng trong quý I/2020 và kế hoạch cả năm 2020 lỗ 1.957 tỉ đồng, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết có thể sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong 3 quý còn lại của năm 2020, tuy nhiên, số lỗ sẽ ít hơn so với con số kỉ lục của 3 tháng đầu năm.

FLC sẽ làm gì trong năm 2020?

Trong năm 2020, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho biết tập đoàn sẽ thích ứng linh hoạt, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để nắm bắt những cơ hội mới, ngay sau khi đại dịch đi qua.

Cụ thể, FLC sẽ triển khai nhiều hoạt động kích cầu dịch vụ hàng không - du lịch - nghỉ dưỡng và bất động sản nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết ước lỗ gần 2.000 tỉ đồng trong năm 2020 - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Quyết muốn Bamboo Airways sẽ giành được 30% thị phần hàng không nội địa trong năm 2020. (Ảnh: Reuters).

Theo kế hoạch, năm 2020, FLC dự kiến giới thiệu ra thị trường gần 20 dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật, hệ thống tiện ích, kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh và giải pháp xanh, đa phần trong lĩnh vực nhà ở đô thị và nghỉ dưỡng. 

Song song với quá trình này, ông Trịnh Văn Quyết cũng cho biết tập đoàn đang mở rộng quỹ dự án tại nhiều địa phương tiềm năng, với hơn 300 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, xúc tiến pháp lí.

Lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng - sân golf tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng với mục tiêu củng cố và mở rộng hệ sinh thái du lịch 5 sao tại các tỉnh thành tiềm năng. Trong đó, khách sạn FLC Coastal Hill (Bình Định), khách sạn 5 sao tại tổ hợp FLC Sea Tower Quy Nhơn (Bình Định) cũng như hệ thống sân golf FLC Quảng Bình đang được xúc tiến hoàn thiện hoặc mở rộng.

Lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways tham vọng chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa, tiếp tục ghi dấu ấn về tỉ lệ đúng giờ, về hệ số bay an toàn cũng như chất lượng dịch vụ. Năm 2019, Bamboo đã bay hơn 20.000 chuyến, phục vụ gần 3 triệu lượt hành khách, chiếm 12,3% thị phần nội địa.

Đối với thị trường quốc tế, tùy theo tình hình khắc phục dịch bệnh tại các nước khác, Bamboo Airways sẽ khôi phục hoạt động trên những đường bay thường lệ đã thiết lập như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Cộng hoà Czech... 

Đồng thời, hãng tái khởi động việc xây dựng và kết nối các đường bay mới tới Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương đang bị tạm hoãn; cũng như nghiên cứu và tính toán các đường bay tiềm năng quốc tế mới khác.

Ông Trịnh Văn Quyết: FLC sẽ tái cơ cấu để gia tăng cạnh tranh trên 4 trụ cột

Ngoài vạch kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng cho biết thêm năm 2020, trước những khó khăn chung vì đại dịch Covid-19, tập đoàn đã sắp xếp, cải tổ bộ máy, bao gồm các quy trình quản lí và vận hành, nguồn nhân lực, tài chính, cũng như các chiến lược phát triển trong trung và dài hạn.

Cụ thể, năm 2020, FLC sẽ tối ưu hoá nguồn nhân lực cũng như bộ máy vận hành; tái cấu trúc lại các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu cũng như nguồn vốn đầu tư tại đơn vị thành viên. Đồng thời, FLC nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính nhằm đảm bảo khả năng vận hành xuyên suốt và ổn định cho các dự án chiến lược; tiếp tục đầu tư và thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện chuyển đổi số.

Ông Quyết cho rằng quá trình tái cơ cấu một mặt giúp hình thành một bộ máy mới năng động, tinh gọn, tối ưu chi phí, một mặt gia tăng khả năng cạnh tranh của FLC trên 4 trụ cột chính là bất động sản, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng - sân golf, dịch vụ vận tải hàng không và xây dựng, khai khoáng.

Mục tiêu cuối cùng của việc tái cấu trúc trên là cung cấp sản phẩm dịch vụ Việt Nam chất lượng cao tới thị trường trong và ngoài nước, từ đó phát triển FLC thành một tập đoàn kinh tế hiệu quả.