Nhiều khách hàng cho rằng các hãng taxi đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây - Ảnh: Duyên Phan
Trong khi các hãng taxi cho biết gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc trong cơ chế dù đã chuyển mình theo xu hướng mới, bản thân các tài xế taxi cũng bị "kẹt" bởi sự cải tiến chưa đồng bộ.
Khách đi taxi khó thỏa thuận giá
Chủ yếu di chuyển bằng taxi do tính chất công việc, ông Nguyễn Hữu Vinh (quận 3, TP.HCM) thừa nhận các hãng taxi đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây như trang bị phần mềm kết nối tài xế với hành khách, cho phép khách hàng được thỏa thuận giá trước... nhưng những cải tiến này vẫn chưa mang lại tiện ích cho người dùng. Bởi cùng một quãng đường, số tiền phải trả cho taxi thường cao hơn.
"Nghe có chủ trương cho thỏa thuận giá, tôi thử mặc cả với tài xế nhưng không được chấp nhận, nên buộc phải trả tiền theo đồng hồ taxi" - ông Vinh cho biết.
Theo anh Trần Thanh Tùng (quận 9), giải pháp cho thỏa thuận giá của các hãng taxi là không thực tế bởi phần lớn khách đi taxi thường xuyên là giới trí thức hay văn phòng nên rất ngại việc trả giá.
"Mình đi taxi chứ đâu phải đi chợ mua mớ rau, con cá đâu mà trả giá, chưa kể trả giá là việc của khách hàng, còn chịu hay không lại phụ thuộc vào tài xế.
Hơn nữa, một khi đã lên xe rồi mới trả giá mà tài xế không chịu, khách cũng phải đi chứ nếu xuống xe là phải trả tiền mở cửa 12.000 đồng" - anh Tùng nói.
Ngay cả khi đã thỏa thuận được giá, theo chị Phương Linh (quận 4), nhiều tài xế vẫn bật đồng hồ tính tiền với lý do "làm theo quy định". Khi đến nơi, nếu đồng hồ tính giá cước cao hơn số tiền đã thỏa thuận, tài xế lại "xin thêm".
"Khách hàng có quyền cho hoặc không, nhưng nếu từ chối trả thêm cũng thấy rất kỳ. Trong khi đi taxi công nghệ số, tiền đã được thể hiện ngay từ đầu, khách hàng không lăn tăn gì" - chị Phương Linh cho biết.
Taxi công nghệ: chốt giá rồi tăng giá
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng thừa nhận các hãng taxi công nghệ (Grab, Uber) cũng gây không ít khó chịu như tăng giá vào các giờ cao điểm hoặc khi thời tiết không thuận lợi như mưa, kẹt xe... hay vào trung tâm TP.
Chị Thanh Loan (Bình Thạnh) từng gặp trường hợp bị tính giá cước cao hơn 10.000-20.000 đồng so với giá trên app tính tiền với lý do, theo lời tài xế, phần mềm tự tăng giá khi đi vào trung tâm.
"Khi đặt xe tôi đã xác định điểm đi và điểm đến, và hãng xe biết rõ tôi sẽ đi vào trung tâm. Vậy sao lại có chuyện tăng thêm giá?" - chị Loan đặt câu hỏi.
Nhiều tài xế taxi công nghệ cũng cho biết đã bị không ít khách hàng phản ứng và không chịu trả tiền cho khoản tăng thêm này.
"Gặp những khách hàng này, chúng tôi bị chịu thiệt vì công ty cứ tự động tính chiết khấu trên số tiền tính từ phần mềm" - anh Thành, một tài xế taxi công nghệ, cho hay.
Theo anh Thành, các hãng taxi phản ứng với Grab và Uber cũng là điều dễ hiểu do đang bị mất thị phần, nhưng người tiêu dùng có quyền lựa chọn giải pháp sao cho kinh tế nhất.
"Vào giờ cao điểm hay mưa gió, các tài xế taxi được nhiều khách hàng ưu tiên chọn do chỉ áp dụng một mặt bằng giá, còn các loại taxi công nghệ hút khách giờ thấp điểm" - anh Thành phân tích thêm.
Cái khó bó cái khôn?
Lãnh đạo một hãng taxi có tiếng trên thị trường khẳng định không phản đối Grab hay Uber, nhưng số lượng xe này phát triển quá nhanh đã phá vỡ mọi quy hoạch về hạ tầng, giao thông.
"Trong 25 năm hình thành và phát triển, số lượng taxi tại Hà Nội chỉ có 19.000 xe và tại TP.HCM là gần 12.000 xe. Trong khi đó, chỉ trong 17 tháng đã có đến hơn 50.000 xe Grab và Uber, tạo ra cảnh hỗn loạn và đẩy nhiều hãng taxi truyền thống đến nguy cơ phá sản" - vị này nói.
Cũng theo vị này, bản thân các hãng taxi cũng liên tục cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ và hạ cước phí.
Chẳng hạn, hãng đã xây dựng phần mềm hỗ trợ đặt xe giúp khách hàng tải và cài đặt trên điện thoại một cách dễ dàng, cho phép khách hàng biết được số lượng các xe đang có mặt gần nhất kèm với các thông số như thời gian xe có mặt đón khách, số xe, biển số xe, số điện thoại tài xế...
"Chúng tôi cũng đang từng bước chuyển mô hình từ tài xế là nhân viên của hãng thành đối tác, vừa giảm chi phí cho hãng vừa tăng thu nhập cho các lái xe" - vị này cho biết.
Tuy nhiên, nhiều tài xế taxi cho rằng các hãng cần phải điều chỉnh thêm để không gây khó khăn cho tài xế và hành khách phản ứng.
Anh Quốc Vinh, tài xế một hãng taxi, cho biết dù được hãng xe khoán doanh thu, tức là cho thỏa thuận giá với khách nhưng khi tính thuế thu nhập cá nhân, hãng xe lại căn cứ theo đồng hồ tính tiền với tỉ lệ 4,5%/doanh thu.
"Nếu doanh thu thực mà tài xế nhận được theo thỏa thuận với khách thấp hơn doanh thu do đồng hồ ghi nhận, chắc chắn tài xế bị thiệt thòi khi nộp thuế nên chúng tôi buộc phải xin thêm tiền của khách nếu giá thỏa thuận thấp hơn giá cước" - anh Vinh thừa nhận.
Không chỉ bị sụt giảm doanh thu, nhiều tài xế taxi cho biết phải chịu sức ép chi phí "cứng" mà bản thân các tài xế phải chi ra.
Anh Nguyễn Minh Cường, tài xế taxi của một hãng taxi tại Hà Nội, cho biết những khoản chi phí phải đóng cho các hãng không giảm, như phí thuê bộ đàm khoảng 2 triệu đồng/tháng cùng các khoản phụ phí như quỹ công đoàn, bảo hiểm... Đặc biệt, khoản phí lớn nhất là phí thương quyền đóng lần đầu tiên.
"Nếu mua xe ngoài, tài xế sẽ phải trả phí từ vài chục triệu đến trên 100 triệu đồng để được đứng tên thương hiệu của hãng khai thác. Nếu mua xe từ hãng taxi, giá xe cũng cao hơn bên ngoài từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/xe" - anh Cường cho biết.
Theo một chuyên gia ngành thuế, các hãng taxi cũng gặp khó khi chuyển mình vì một bên là các hãng công nghệ không phải đầu tư xe cộ và không phải khấu hao gì, trong khi các hãng taxi phải đầu tư xe, cơ sở vật chất, bộ máy... nên chi phí cứng rất lớn.
Ông Nguyễn Công Hùng (phó tổng giám đốc Hãng taxi Open):Cố gắng hết sức để trụ lại
Không những không được trợ giá, taxi còn phải gánh nhiều chi phí như thuê trụ sở đặt tổng đài, nhân viên trực tổng đài lệ phí khi đăng ký taxi như ôtô thông thường, đóng bảo hiểm xã hội cho hàng trăm nhân viên... Tất cả đều tính vào giá cước. Trong khi đó, Grab hay Uber không phải mất các chi phí này nên giá cước mềm hơn. Nếu không phải chịu gánh nặng chi phí và được cạnh tranh sòng phẳng, chúng tôi không thua Grab hay Uber. Tuy vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để trụ lại, liên tục cải tiến, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ và giảm cước phí cho hành khách. |