TCT Tín Nghĩa hậu cổ phần hóa: Cơ cấu cổ đông nhiều biến động, sở hữu quỹ đất KCN hơn 3.400 ha nhưng nguồn thu chủ yếu đến từ thương mại

Tổng Công ty Tín Nghĩa sở hữu quỹ đất khu công nghiệp hơn 3.400 ha và được coi là "con cưng" của tỉnh Đồng Nai. Dù nắm trong tay quỹ đất lớn nhưng hoạt động bán hàng hoá, thành phẩm như cà phê, thức ăn gia súc, xăng dầu,... mới đem lại cho doanh nghiệp nguồn thu lớn nhất.

CTCP Tổng công ty Tín Nghĩa tiền thân là Công ty Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp Đồng Nai, được thành lập vào tháng 9/1989 với số vốn ban đầu 15 triệu đồng và nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng như hiện tại.

Sau nhiều lần chuyển đổi, đến năm 2016, công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và đổi tên thành CTCP Tổng Công ty Tín Nghĩa. Từ tháng 12/2018, Tổng Công ty Tín Nghĩa chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán TID.

Hoạt động kinh doanh của Tín Nghĩa tập trung vào 4 ngành nghề chính: Kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN); Kinh doanh xăng dầu; Kinh doanh Chế biến và xuất nhập khẩu nông sản, cà phê; Kinh doanh dịch vụ kho, cảng, logistics.

Năm 1997, Tín Nghĩa đã bắt đầu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng KCN và hiện tại là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn nhất tỉnh Đồng Nai.

Công ty đã và đang đầu tư, khai thác 8 KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng diện tích hơn 3.400 ha như KCN Nhơn Trạch 3 , KCN Ông Kèo, KCN An Phước, KCN Tân Phú, KCN Nhơn Trạch 6D, KCN Tam Phước, KCN Bàu Xéo, KCN Đất Đỏ.

Bên cạnh sở hữu các KCN, Tín Nghĩa còn đầu tư vào các dự án khu đô thị, khu dân cư. Tại Đồng Nai, công ty sở hữu Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh (Đông Sài Gòn New City) có tổng diện tích 942 ha, tọa lạc tại trung tâm khu đô thị mới Nhơn Trạch.

Dự án Đông Sài Gòn New City. (Nguồn: Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch ).

Cũng nằm tại huyện Nhơn Trạch, một dự án quy mô khác của Tín Nghĩa là Khu đô thị du lịch Đại Phước với quy mô 131 ha.

CTCP Phát triển KCN Tín Nghĩa – công ty con của Tín Nghĩa là chủ đầu tư dự án Khu dân cư và tái định cư Tam Phước (TP Biên Hoà, Đồng Nai). Dự án có quy mô 18 ha và đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.

Tại tỉnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tín Nghĩa đang sở hữu 80% cổ phần của CTCP Đầu tư Tín Nghĩa - Phương Đông. Đây là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ. Dự án có quy mô 98 ha.

Tín Nghĩa cũng đang triển khai xây dựng hai dự án trung tâm thương mại tại Đồng Nai là dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tại Rạp Nam Hà cũ (phường Quyết Thắng, TP Biên Hoà) và Trung tâm thương mại Long Thành (huyện Long Thành),…

Ngoài ra, tổng công ty còn là đơn vị dẫn đầu về bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với mạng lưới 50 trạm.

Song song đó, nhiều năm liền Tín Nghĩa cũng nằm trong top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam. Năm 2007, Tín Nghĩa đã mở rộng quy mô và phát triển sản xuất kinh doanh cà phê sang Lào với diện tích nông trường gần 600 ha.

Năm 2018, Tín Nghĩa đã thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với công suất giai đoạn một 3.200 tấn sản phẩm/1 năm. Sản phẩm của công ty phần lớn sẽ được tiêu thụ ở thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và một số nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài cà phê, Tín Nghĩa còn kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng thức ăn gia súc và các mặt hàng khác (hạt nhựa, sắt thép, đèn led,…). Năm 2015, Tín Nghĩa đã được UBND tỉnh Đồng Nai, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty cổ phần Chế biến XNK Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) lựa chọn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Donafoods khi đơn vị này thực hiện cổ phần hóa, với tỷ lệ sở hữu 54% vốn điều lệ.

Cơ cấu cổ đông nhiều biến động sau IPO

Trong đợt IPO vào tháng 4/2016, toàn bộ cổ phần chào bán của Tín Nghĩa được 12 nhà đầu tư mua hết. Mức giá trúng thầu bình quân là 11.885 đồng/cp, tương ứng giá trị thu về hơn 177 tỷ đồng. Trong đó quỹ Dragon Capital đã mua 8% vốn của Tín Nghĩa.

Sau phiên IPO, trong đợt tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược bằng việc chào bán 35% vốn (tương đương 54,53 triệu cp) của Tín Nghĩa, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) - nơi ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch HĐQT, đã là nhà đầu tư duy nhất thành công rót hơn 500 tỷ đồng mua cổ phiếu TID và chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa.

Như vậy thời điểm đó, cơ cấu cổ đông của Tín Nghĩa gồm cổ đông nhà nước (50%), TTC Group (35%) và Dragon Capital (8%), còn lại là cổ đông khác.

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa, TTC Group đã đưa bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Đặng Văn Thành trở thành Phó Chủ tịch HĐQT Tín Nghĩa. Còn ông Huỳnh Lê Phú Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Tín Nghĩa lúc bấy giờ cũng là nhân vật từng gắn bó lâu năm, nắm nhiều chức vụ quan trọng ở TTC Group.

Thế nhưng, mối nhân duyên giữa TTC Group với Tín Nghĩa đã dừng lại khi thời hạn cam kết đầu tư chấm dứt (tối thiểu 5 năm) đến hạn. Sau khi Tín Nghĩa lên sàn vào năm 2018, TTC Group đã lần lượt rút bớt vốn. Đỉnh điểm tháng 5/2021, Tập đoàn của ông Đặng Văn Thành quyết định bán sạch 54,53 triệu cổ phiếu TID nắm giữ lúc đó, tương đương 27% vốn điều lệ theo hình thức thỏa thuận, ước thu về hơn 800 tỷ đồng.

Đồng thời từ tháng 6/2020, bà Huỳnh Bích Ngọc cũng rút khỏi vị trí Phó Chủ tịch Tín Nghĩa.

Người thế chân TTC Group tại Tín Nghĩa là CTCP Đầu tư xây dựng và Vật liệu Xây dựng Sài Gòn - thành viên của Tập đoàn Tuấn Lộc khi đã mua vào 48 triệu cổ phiếu TID  vào tháng 5/2021, tương đương gần 25% vốn của Tín Nghĩa.

Một tháng sau, tức 21/6/2021, Tuấn Lộc đã đưa hai thành viên vào HĐQT và một thành viên vào Ban kiểm soát công ty nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, ông Trần Hoài Nam, thành viên được vào HĐQT của Tín Nghĩa là Chủ tịch HĐQT CTCP Sonadezi Giang Điền, Giám đốc Tài chính Tuấn Lộc. Ông Trần Tấn Nhật, thành viên Ban kiểm soát của Tín Nghĩa là Phó Trưởng phòng Đầu tư Tuấn Lộc, Thành viên Ban kiểm soát Sonadezi Giang Điền.

Tính đến cuối tháng 6/2023, cơ cấu cổ đông của Tín Nghĩa gồm UBND tỉnh Đồng Nai với 48,06% vốn, CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu xây dựng Sài Gòn nắm 24,96% vốn, còn lại là các cổ đông khác.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC bán niên 2023 đã soát xét của công ty.

Năm ngoái, loạt lãnh đạo cấp cao của tổng công ty đồng loạt thoái hết vốn ngay trước khi ông Nguyễn Văn Hồng, Tổng giám đốc Tín Nghĩa và những người đứng đầu tại CTCP Đầu tư Nhơn Trạch – Công ty con của Tín Nghĩa bị bắt tạm giam với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” tại dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh (500 ha). Các bị can này bị cáo buộc gây thiệt hại cho nhà nước gần 279 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 12/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí để tiếp tục điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa của Tổng Công ty Tín Nghĩa. Đây là vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Hôm 13/9, Tín Nghĩa đã phát thông cáo cho biết đây là sự việc liên quan đến quá trình thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Tín Nghĩa trong giai đoạn 2014 - 2016. Hiện tại, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty và các công ty thành viên vẫn diễn ra bình thường.

Với thông tin phản ánh của báo chí, HĐQT Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tiến hành họp trong thời gian sớm nhất để triển khai một số nội dung, vấn đề liên quan nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của được ổn định.

Các lãnh đạo của công ty con thuộc Tín Nghĩa bị cáo buộc dính nhiều sai phạmm gây thất thoát tài sản nhà nước tại Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh (Đông Sài Gòn New City) (Nguồn: congdongswancity.com.vn).

Hậu cổ phần hóa: Doanh thu gần chục nghìn tỷ, lợi nhuận bấp bênh

Về tình hình kinh doanh, xét cơ cấu doanh thu của Tín Nghĩa sau khi được cổ phần hóa, trên 80% doanh thu đến từ bán hàng hóa và thành phẩm, dao động trên 7.000 tỷ đồng mỗi năm và có lúc chạm mốc 10.000 tỷ đồng (năm 2018). Dù sở hữu quỹ đất lớn song nguồn thu của tổng công ty chủ yếu đến từ hoạt động bán hàng hoá, thành phẩm.

Trong những năm gần đây, Tín Nghĩa cho biết mỗi năm đều xuất khẩu trên 100.000 tấn cà phê, kim ngạch trên dưới 200 triệu USD.

Mảng hạ tầng KCN chỉ đóng góp tỷ trọng khoảng 2% - 13% tổng doanh thu, xét sau giai đoạn 2016.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty.

Dù đóng góp doanh thu lớn nhưng biên lãi gộp của mảng bán hàng hóa, thành phẩm rất mỏng, chỉ 1% - 2% mỗi năm, có năm còn kinh doanh dưới giá vốn. Trong khi các mảng khác như hạ tầng KCN, kinh doanh BĐS và dịch vụ lại mảng về mức tỷ suất vài chục phần trăm.

Dù tỷ trọng doanh thu của mảng hạ tầng KCN không nhiều, nhưng lại có biên lãi gộp vượt trội hơn các mảng khác. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty).

Nhìn chung, dù doanh thu của Tín Nghĩa trên 7.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng giá vốn chiếm tỷ trọng lớn, đồng thời trừ đi các chi phí hoạt động cũng như chi phí tài chính, lợi nhuận sau thuế của Tín Nghĩa chỉ còn lại vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2022 lợi nhuận của doanh nghiệp bấp bênh.

6 tháng đầu năm 2023, Tín Nghĩa ghi nhận mức doanh thu 4.393 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 42 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù doanh thu của Tín Nghĩa trên 7.000 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận sau thuế khá eo hẹp, chỉ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.   (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty).

Về tình hình tài sản, tính đến cuối quý II/2023, quy mô tài sản của Tín Nghĩa hơn 14.891 tỷ đồng, trong đó chiếm 56% là tài sản dở dang dài hạn. Đây là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn của các dự án khu dân cư và KCN đang thực hiện của công ty.

Nguồn: Thuyết minh BCTC bán niên 2023 đã soát xét.

Cuối kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn của Tín Nghĩa là 1.776 tỷ, trong đó phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn khác với 1.033 tỷ đồng là khoản hợp tác đầu tư với CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An để phát triển dự án KCN Phước An

Ngoài ra, Tín Nghĩa cũng phải trích lập dự phòng 339 tỷ trong tổng 462 tỷ đồng các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc khó có khả năng thu hồi, đa số là tại CTCP Cà phê Olympic (trước đây là CTCP Cà phê Tín Nghĩa).

Nguồn: BCTC bán niên 2023 đã soát xét.

Tại ngày 30/6, Tín Nghĩa có 174 tỷ tiền gửi có kỳ hạn và 297 tỷ đầu tư vào 8 công ty liên kết và 6 đơn vị khác.

Trong khi đó, công ty đi vay tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng từ ngân hàng và các tổ chức cùng những cá nhân khác, chiếm 36% tổng nợ phải trả. Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã đi vay 3.921 tỷ đồng và trả nợ 3.840 tỷ đồng nợ gốc vay.

 Nguồn: BCTC bán niên 2023 đã soát xét.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.