Thái Lan tạm dừng nhập khẩu heo từ Việt Nam

Lệnh đình chỉ tạm thời nhập khẩu đối với heo bản địa, heo rừng sống và thịt heo từ Việt Nam để đề phòng sự lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi.

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS) (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn gửi Các Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản; Chăn nuôi; Thú y; Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Hội chăn nuôi Việt Nam về việc Thái Lan thông báo tạm thời đình chỉ việc nhập heo bản địa, heo rừng sống và thịt heo từ Việt Nam.

Công văn nêu rõ, ngày 15/9, Thái Lan ra thông báo các biện pháp khẩn cấp số G/SPS/N/THA/342 về Lệnh đình chỉ tạm thời nhập khẩu heo bản địa, heo rừng sống và thịt heo từ Việt Nam để đề phòng sự lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi.

Theo Công báo của Chính phủ Thái Lan ngày 13/2/2020 việc tạm ngừng nhập khẩu heo bản địa, heo rừng sống và thịt heo từ Việt Nam đã hết hiệu lực vào ngày 13/5/2020. Tuy nhiên, Tổ chức Thú y Thế giới đã thông báo, dịch tả heo châu Phi tiếp tục bùng phát tại Việt Nam. 

Vì vậy, Thái Lan cần ngăn chặn sự xâm nhập dịch tả heo châu Phi vào nước này. Theo Đạo luật dịch tễ động vật B.E.2558 (2015), việc nhập khẩu heo bản địa, heo rừng sống và thịt heo từ Việt Nam bị tạm ngừng trong thời hạn 90 ngày sau khi đăng trên Công báo Hoàng gia Thái Lan (ngày 5/6/2020).

Theo đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam đề nghị Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản; Chăn nuôi; Thú y; Cục Xuất nhập khẩu; Hội chăn nuôi Việt Nam xem xét các thông tin liên quan trong thông báo để có giải pháp thích ứng. 

Đồng thời, thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan thuộc phạm vi điều chỉnh của biện pháp này.

chọn
Những nơi đang sốt đất theo tin sáp nhập
Thông tin về sáp nhập tỉnh, thành khiến đất nền tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, Đồng Nai... lên cơn sốt giá. Theo chuyên gia, bên cạnh cơ hội lướt sóng thì rủi ro đi kèm là rất cao, nhà đầu tư không nên mạo hiểm bởi nếu không kịp thoát hàng sẽ lâm cảnh đu đỉnh, mắc cạn.