Thành viên nhóm Tân Hoàng Minh gọi vốn 1.900 tỷ, tái khởi động dự án 'treo' gần 20 năm giữa Thủ đô

Dự án Nam Đại Cồ Việt được Hà Nội giao CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà triển khai từ năm 2002, song chậm tiến độ suốt nhiều năm. Mới đây, Ngôi Sao Việt, công ty thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã huy động vốn để tái khởi động dự án này.
Thành viên Tân Hoàng Minh gọi vốn 1.900 tỷ đồng, tham gia vào dự án 'treo' gần 20 năm ở Thủ đô - Ảnh 1.

Dự án Vinhomes D’. Capitale do Ngôi Sao Việt làm chủ đầu tư. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Thành viên nhóm Tân Hoàng Minh gọi vốn 1.900 tỷ đầu tư dự án Nam Đại Cồ Việt

CTCP Chứng khoán Agribank và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa thu xếp cho Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt phát hành thành công lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào 20/9/2026.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, lãi suất cố định 11,5%/năm, kỳ trả lãi 12 tháng/lần.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Ngôi Sao Việt đặt cọc cho hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt (tương ứng 47% tổng mức đầu tư) để làm tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng, căn hộ tại lô I-A và lô II-III thuộc dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt làm chủ đầu tư.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Ngôi Sao Việt là dự án nói trên, đi kèm với quyền sở hữu 200 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương 12,5% cổ phần tại Ngôi Sao Việt.

Theo tìm hiểu, Ngôi Sao Việt được thành lập ngày 20/4/2016, trụ sở chính tại Tòa nhà D'.Le Pont D'or, ngõ 30 Phố Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.

Tại thời điểm cuối năm 2016, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, bao gồm: Quách Huy Thông (93,75%), Nguyễn Mạnh Hùng (4,37%), Đỗ Trung Kiên (1,87%).

Đến tháng 7/2017, cơ cấu cổ đông doanh nghiệp có sự thay đổi. Trong đó, ông Lê Mạnh Dũng góp 1.530 tỷ đồng (95,62%), ông Nguyễn Mạnh Hùng góp 70 tỷ đồng (4,37%). Ông Nguyễn Mạnh Hùng là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ngôi Sao Việt là một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đồng thời là chủ đầu tư của khu đô thị Vinhomes D’. Capitale Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội (Vinhomes đóng vai trò quản lý, vận hành).

Trước đó, vào ngày 5/7, Ngôi Sao Việt đã phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu để mua hơn 3 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (tương ứng 51% vốn điều lệ của Việt Tiến). 

Qua đó, Ngôi Sao Việt đầu tư vào công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại hai lô đất thuộc khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội do Việt Tiến làm chủ đầu tư. 

Tháng 8 vừa qua, liên danh Ngôi Sao Việt và CTCP Cung Điện Mùa Đông (một công ty thành viên khác của Tân Hoàng Minh) đã được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu công nghệ thông tin  tập trung Yên Bình gần 3.000 tỷ đồng.

Dự án Nam Đại Cồ Việt đổi chủ sau gần 20 năm 'treo' giữa Thủ đô

Trở lại với dự án Nam Đại Cồ Việt nêu trên, dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2002 và giao cho CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch được phê duyệt, trên dải đất này sẽ xây dựng 7 tòa nhà cao 11 - 24 tầng với tổng diện tích sàn là 29.000 m2 cùng các công trình công cộng, văn phòng làm việc của các cơ quan và các khu dịch vụ dân sinh.

Tháng 4/2011, UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án này, đồng thời nâng tổng mức đầu tư của dự án từ hơn 390 tỷ đồng lên hơn 1.073 tỷ đồng; thời gian hoàn thành dự án được điều chỉnh đến quý II/2015.

Trong một lần trả lời phản ánh của cử tri về việc dự án treo đã lâu, TP Hà Nội cho biết, tại thời điểm tháng 11/2015, chủ đầu tư đã bàn giao các ô đất cho các chủ đầu tư thứ phát 7.099 m2 theo đúng quy hoạch; đã GPMB và thu hồi 7.271 m2.

Bên cạnh đó, đã bố trí tái định cư tại chỗ nhà VIII-C cho 1 tổ chức và 98 hộ gia đình với số lượng 100 căn hộ/120 căn hộ; đã thi công xong nhà tái định cư tại chỗ 4A với 158 căn hộ (ước đạt 44,3 % số hộ gia đình cần GPMB).

Về nguyên nhân chậm tiến độ, Hà Nội cho biết do chủ đầu tư phải tự ứng vốn làm quỹ nhà tái định cư, trong khi chưa được thực hiện xây dựng nhà thương mại để thu hồi vốn. Ngoài ra, một bộ phận người dân liên tục khiếu kiện kéo dài lên nhiều cấp, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Cũng theo TP Hà Nội, kế hoạch triển khai dự án của chủ đầu tư là 2015 - 2018, như vậy đã được điều chỉnh so với phê duyệt năm 2011.

Tại tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà cho biết, trong năm 2020 doanh nghiệp đã yêu cầu Tân Hoàng Minh xác nhận quyết toán với thi công cơ giới, hoàn thành báo cáo kiểm toán nhà chung cư 4A thuộc dự án Nam Đại Cồ Việt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp yêu cầu Tân Hoàng Minh tiếp tục chuyển tiền vốn góp để thanh toán cho các nhà thầu và thanh lý hợp đồng hợp tác, song Tân Hoàng Minh chưa thanh toán.  Trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ tập trung thu hồi nguồn vốn đầu tư dự án từ phía Tân Hoàng Minh.

Hiện nay, dự án Nam Đại Cồ Việt có chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2016 và người đại diện pháp luật là ông Hoàng Mạnh Thao, trụ sở ngay tại tòa nhà 4A Tạ Quang Bửu.

Lý giải về việc dự án đổi chủ, theo Báo Xây dựng, dự án đã được chuyển giao cho một tập đoàn bất động sản vào năm ngoái. Sau đó, Tập đoàn này đã thành lập ra Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt để thực hiện dự án Nam Đại Cồ Việt và dự án bến xe tĩnh dọc tuyến đường Nam Đại Cồ Việt.

Trước động thái một thành viên trong nhóm Tân Hoàng Minh huy động vốn đầu tư vào Nam Đại Cồ Việt, có khả năng tập đoàn nhận chuyển giao dự án được nêu trên là Tân Hoàng Minh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.