Theo Báo Chính phủ, chiều ngày 12/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy các dự án đầu tư FDI, ODA tại 5 tỉnh Đông Nam Bộ.
Tại cuộc họp đại diện các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, và Tây Ninh cho biết, những khó khăn, vướng mắc phổ biến trong thực hiện các dự án FDI hiện nay chủ yếu liên quan đến thủ tục thực hiện dự án; vấn đề về điện, năng lượng và hạ tầng; phòng cháy, chữa cháy,…
Về thủ tục thực hiện dự án, các địa phương cho rằng Luật Đất đai hiện hành chưa làm rõ trường hợp thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không đáp ứng điều kiện để tổ chức đấu giá, ví dụ trường hợp không thể bố trí ngân sách cho việc giải phóng mặt bằng thì sẽ thực hiện thế nào.
Sự chưa đồng bộ trong quy định nêu trên dẫn đến vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc diện phải đấu giá, hoặc đấu thầu, dự án có đất đã giải phóng mặt bằng xen lẫn với đất chưa giải phóng mặt bằng, hay dự án có tài sản công…
Cũng liên quan đến vấn đề này, Luật Nhà ở quy định nhà đầu tư phải có một phần quyền sử dụng đất ở mới được thực hiện dự án nhà ở, theo đó, tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, một số địa phương cũng gặp khó khăn về quỹ đất cho phát triển công nghiệp trong tương lai khi các khu công nghiệp hiện nay đều có tỉ lệ lấp đầy cao.
Về vướng mắc liên quan đến việc giao khu vực biển, các dự án có đề nghị giao khu vực biển gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục lựu chọn nhà đầu tư do Nghị định 11/2021/NĐ-CP chưa xác định khu vực giao biển có bao gồm giao đất, cho thuê đất hay không và có thuộc diện đấu giá, đấu thầu hay không để có cơ sở thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương dự họp rà soát lại những khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước cuối giờ chiều thứ 2 tuần tới.
Trong vòng 10 ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp đầy đủ các vướng mắc của các địa phương, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành về thời gian hoàn thành giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cách giải quyết từng khó khăn, vướng mắc, ưu tiên những vấn đề cấp bách của địa phương.