'Thắt chặt tín dụng vào BĐS làm hạn chế cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính của chủ đầu tư'

Việc thắt chặt tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản làm hạn chế cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính của các chủ đầu tư và gây khó khăn cho khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chủ trương hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên để phục hồi nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics… 

Đối với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là lĩnh vực thuộc nhóm tiềm ẩn rủi ro, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu.

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đã có các động thái cụ thể liên quan đến việc siết tín dụng vào bất động sản, đơn cử như Sacombank và Techcombank.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp cũng đang được kiểm soát chặt chẽ.

Từ cuối năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp các công điện yêu cầu tăng cường hiệu quả giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. 

Về vấn đề này, các chuyên gia Colliers Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục thắt chặt tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản làm hạn chế cơ hội tiếp cận các quỹ tài chính của các chủ đầu tư.

Không những vậy, điều này còn gây khó khăn cho khách hàng và các nhà đầu tư cá nhân khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong khi nhu cầu của họ không chỉ để có được chỗ ở mà còn để đầu tư sinh lời.

Bất động sản biệt thự và nhà phố là những loại hình truyền thống được ưa chuộng nhằm phục vụ nhu cầu này. Nguyên nhân là do quan niệm rằng đất đai vẫn giữ giá trị theo thời gian và truyền thống ưa chuộng nhà đất của người Việt. 

Từ năm 2022 trở đi, Hà Nội sẽ có quỹ đất lớn nằm ở các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Hoài Đức và tỉnh giáp ranh là Hưng Yên. Tuy nhiên việc thắt chặt chi tiêu và các quy định pháp lý sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà phát triển bất động sản và khách hàng.

“Siết các kênh huy động vốn sẽ làm cho thị trường lành mạnh và minh bạch hơn. Trong vài năm tới, sự điều chỉnh của thị trường do thay đổi pháp lý sẽ sớm diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ trở lại sôi động sau một thời gian ảm đạm”, ông Tín Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường, Colliers Việt Nam cho biết.

Siết tín dụng vào bất động sản - "Cực chẳng đã"

Bất động cũng là một lĩnh vực của nền kinh tế, có vai trò nhất định, vậy vì sao phải siết? Thông thường, ngành nghề nào tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm cho xã hội, đều cần được khuyến khích. Với bất động sản, nếu là phân khúc xây nhà để ở, dự án chung cư, nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng khu công nghiệp... có ích cho nền kinh tế thì không nên cản trở. Nhưng với những dự án bất động sản "ma", dự án khu dân cư cao cấp bỏ hoang mà vẫn được ngân hàng thế chấp cho vay, vẫn cấp tín dụng thì phải siết lại. Nếu không sẽ tạo tâm lý đầu cơ, vay vốn ngân hàng mua nhà đất để đó chờ lên giá, với tâm lý "bất động sản không bao giờ giảm giá".

Ở đây, "cực chẳng đã" Nhà nước mới yêu cầu kiểm soát chặt vốn vào bất động sản. Nếu không, dòng tiền sẽ chảy vào nhà đất rồi nằm yên ở đó, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư thương mại, xuất khẩu, logistics, du lịch, hàng không... Nếu tín dụng đọng lại quá lâu trong nhà đất mà không quay vòng được, sẽ gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Hẳn nhiều người còn nhớ, khủng hoảng của hệ thống ngân hàng gắn với "cục máu đông" nợ xấu giai đoạn 2012 - 2013 cũng liên quan đến bất động sản mà đến tận bây giờ, nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa xử lý xong...

(Theo TS Đinh Thế Hiển, báo Người lao động)

chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.