Thầy giáo khuyên thí sinh đừng xem đáp án sau khi thi vào lớp 10

“Đừng trao đổi đáp án với bạn, đừng lên mạng xem đáp án, đừng gọi ngay cho thầy cô để hỏi xem mình làm bài có đúng không", thầy Võ Kim Bảo (TP.HCM) căn dặn học sinh.

Không căn dặn những điều nên làm hay không được quên trong suốt những ngày thi chuyển cấp căng thẳng, thầy giáo Võ Kim Bảo (THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM) lựa chọn những điều mà thầy mong muốn học trò cũng như phụ huynh đừng làm để giữ vững tinh thần.

Bức “tâm thư mỏng” được thầy Bảo chia sẻ một ngày trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho không ít học trò.

Thầy xin một ngày không có Internet

“Các em học sinh của thầy! Làm xong bài thi môn đầu tiên, các em cứ lặng lẽ ra khỏi phòng thi, không nói lời nào với ai, đi về nhà luôn. Đừng trao đổi đáp án với bạn, đừng lên mạng xem đáp án, đừng gọi ngay cho thầy cô để hỏi xem mình làm bài có đúng không. Xin đừng các em nhé.

Nếu kết quả không được như ý, liệu các em có đủ tinh thần để thi các môn tiếp theo không? Hãy nhớ lấy lời thầy! Cho thầy xin một ngày của các em không có Internet các em nhé! Lướt Facebook 5 phút thôi các em sẽ lại thấy người ta chia sẻ đáp án, các em sẽ thấy bạn bè hớn hở khoe mình trúng tủ, thấy bạn bè khóc lóc bù lu bù loa vì làm sai một câu nào đó... Rồi môn tiếp theo làm sao thi? Chỉ một ngày thôi em nhé!”, thầy Bảo dặn dò học sinh.

Thầy giáo khuyên thí sinh đừng xem đáp án sau khi thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Thầy Võ Kim Bảo và học sinh trường THCS Nguyễn Du trong ngày ra trường. Ảnh: NVCC.

"Có những lần kết thúc môn thi, học sinh, phụ huynh gọi tôi đến "cháy máy" chỉ vì muốn nghe đáp án. Ngay lúc mới thi xong, đáp án của thầy cô, bạn bè cũng không có gì là chắc chắn. Học sinh, phụ huynh nôn nóng xem lời giải cũng không thêm được điểm nào, chi bằng về nhà thật sớm, ăn uống, nghỉ ngơi giữ sức cho môn thi sau", thầy giáo dặn học sinh.

Xuất phát từ thói quen và tâm lý lo sợ, nhiều học sinh và phụ huynh sẽ tìm đến các bài giải ngay khi rời phòng thi để so sánh đáp án, tự chấm điểm bài làm của mình. Thầy Bảo cho rằng làm vậy là không cần thiết.

Phụ huynh đừng hỏi: “Con làm bài được không?”

Nhiều năm dạy và ôn thi cho học sinh lớp 9, thầy Bảo hiểu gánh nặng tâm lý của thí sinh đến từ chính bản thân và những kỳ vọng bên ngoài. Chính vì thế, bức tâm thư cũng gửi những lời nhắn nhủ đến phụ huynh.

“Con mình thi, quý phụ huynh cũng lo lắng không kém con. Điều này thật dễ hiểu! Nhưng mong quý phụ huynh đừng vội hỏi con: “Hôm nay con làm bài được không?”, hay đừng bảo con: “Con gọi cho thầy Bảo hỏi xem làm vậy được chưa...” mà hãy hỏi: “Con có mệt không? Con đói không? Uống trà sữa trân châu ít đường, ít đá nhiều kem không con?.

Tôi tin là các con sẽ thoải mái hơn rất nhiều đấy ạ. Nếu làm bài được con sẽ khoe ngay, nếu con còn băn khoăn thì thôi, để chiều, để mai con sẽ ráng làm thật tốt môn thi tiếp theo. Cảm ơn cha mẹ trước nhé!”, thầy giáo dạy Văn viết.

Chia sẻ với Zing.vn về nội dung bức tâm thư, thầy Bảo cho hay thật ra đối tượng thầy muốn hướng đến là các bậc phụ huynh. Nam giáo viên mong các bạn học sinh sẽ cho ba mẹ xem những dòng này để hiểu và thông cảm với các em. Vì thương và hiểu áp lực tâm lý nặng nề của học trò trước kỳ thi chuyển cấp, thầy Bảo đã viết những lời nhắn nhủ mong học trò và phụ huynh đều cảm thấy nhẹ lòng.

"Các em học sinh cuối cấp đã có sự trưởng thành nhất định, biết lo và biết suy nghĩ hơn. Nhưng lúc này các em cũng sẽ nhạy cảm ơn. Khi các em tâm sự, tôi biết khá nhiều em khó chia sẻ mọi điều với người thân. Điều này thật sự rất phức tạp. Cha mẹ nào cũng rất lo cho con trong giai đoạn cuối cấp học, nhưng nỗi lo đó nếu không khéo sẽ gây áp lực lên các con. 

Đặc biệt là gần đây báo chí đưa tin, không chỉ áp lực của ước mơ mà còn là áp lực của thể diện nữa. Mong quý phụ huynh sẽ tìm hiểu thêm về tâm lý lứa tuổi để có thể vừa làm cha mẹ, vừa làm bạn với con mình”, thầy giáo dạy Văn chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.