Ngoài thời gian đứng lớp, thầy giáo Hoàng Văn Sằn còn kiêm nhiệm thêm vai trò là hướng dẫn viên du lịch cho những vị khách muốn khám phá vùng đất giáp biên giới Bình Liêu, Quảng Ninh.
Thầy Sằn cho biết thu nhập từ nghề tay trái giúp trang trải cuộc sống gia đình tốt hơn. |
Thầy giáo người dân tộc Tày tâm sự, cắm bản 10 năm nhưng lương của thầy và vợ cũng chỉ đủ để chăm sóc cho các con, không dám chi tiêu nhiều cho cá nhân. Dù lương giáo viên miền núi cao hơn ở đồng bằng vì được thêm chính sách ưu tiên, nhưng thu nhập của gia đình cũng chỉ đủ sống.
Nhà sát biên giới, ngay cạnh cửa khẩu Hoành Mô, có nhiều cảnh đẹp, nhiều người muốn khám phá nên thầy giáo đã tận dụng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ban đầu bạn bè trên mạng hỏi và nhờ chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch bụi ở Bình Liêu, Quảng Ninh. Dần dần, thầy giáo Sằn đã thành "hướng dẫn viên" lúc nào không hay.
“Mình vốn thích rong ruổi khắp nơi, cũng đi phượt bụi nên có khá nhiều bạn bè, cả miền xuôi lẫn miền ngược. Những lần đón bạn bè đến chơi, họ thấy mình nhiệt tình, hiếu khách, lại có kinh nghiệm du lịch nên cũng hùn vào thúc mình mở homestay. Vừa có thêm thu nhập trang trải cho gia đình lại có thể quảng bá thêm cho du lịch của quê hương”, thầy giáo chia sẻ về lý do chọn nghề tay trái.
Thầy Hoàng Văn Sằn (ở giữa bên trái) trong chuyến đưa khách du lịch đi thăm cột mốc tại Bình Liêu |
Thầy giáo Sằn cho biết mình bắt đầu kinh doanh dịch vụ này từ đầu tháng 4/2017 với ý tưởng xây dựng homestay này giống một khu vườn.
“Bố mẹ ủng hộ việc mở dịch vụ kinh doanh nhưng còn e ngại vì vợ chồng đều là giáo viên rồi thì thời gian đâu mà làm nghề này. Sau khi nghe mình giải thích thì cả nhà đều yên tâm để mình làm, kiếm thêm thu nhập”. Thầy giáo Sằn tâm sự, để có thể mở được homestay, hai vợ chồng anh phải chắt bóp chi phí sinh hoạt của cả gia đình, cộng với vay vốn từ ngân hàng, vay mượn người thân.
Khi được hỏi về việc thầy giáo có cảm thấy ái ngại khi học trò biết làm thêm nghề tay trái này không. “Mình làm thêm công việc chính đáng, không hề phạm pháp, kiếm tiền bằng mồ hôi công sức của mình thì chẳng có gì phải ngại ngùng cả. Học sinh của mình còn rất thích thú vì được tiếp xúc với nhiều người dưới miền xuôi”, thầy hào hứng chia sẻ.
Về thu nhập từ hôm homestay, thầy cho biết còn tùy vào lượng khách, nếu vào dịp nghỉ lễ thì lượng khách tăng nhanh, chỉ vài ngày lễ nhưng có thể bằng cả tháng lương nghề giáo. Còn những dịp cuối tuần cũng được từ 1-2 triệu đồng.
Chia sẻ về công việc kinh doanh hiện tại, anh Sằn cho biết: “Thu nhập từ nghề giáo chỉ có thể trang trải được một phần cho cuộc sống gia đình, nhất là khi các con của mình lớn lên, chi phí cho sinh hoạt lại càng nhiều hơn.
Trong khi đó, cho thuê homestay và làm hướng dẫn viên du lịch cho khách tham quan giúp trang trải cho cuộc sống gia đình tốt hơn. Có thể mua cho con thêm đồ chơi, sách vở phục vụ học tập. Mình cũng yên tâm hơn nếu lỡ gia đình có xảy ra việc đột xuất”.
Dù nghề tay trái mang lại thu nhập thêm cho gia đình nhưng thầy giáo Hoàng Văn Sằn tâm sự, đó chỉ là làm thêm, chuyên môn nhất định phải đảm bảo.
"Nghề chính của mình thì mình phải yêu chứ! Năm học vừa qua mình được cử đi thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đấy", thầy giáo người dân tộc Tày cười.