Thi công trở lại tuyến tránh TP Cao Lãnh với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng

Tuyến tránh TP Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 14,5 km, qua địa phận các xã An Bình, Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh), xã Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân và phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh),với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng.

Sau hơn 10 năm tạm dừng thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, dự án tuyến tránh TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng vừa được triển khai thi công trở lại.

Tuyến tránh TP Cao Lãnh thuộc giai đoạn 3 của dự án nâng cấp QL.30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Dự án nâng cấp QL 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2008 với tổng kinh phí hơn 2.570 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng tuyến tránh TP Hồng Ngự và giai đoạn 2 là nâng cấp, mở rộng khoảng 40 km QL.30 (đoạn từ cầu Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh đến tuyến tránh TP Hồng Ngự) đều đã hoàn thành, đưa vào sử dựng.

Đối với dự án tuyến tránh TP Cao Lãnh, được khởi công xây dựng từ năm 2010. Đến năm 2011, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, thi công được một phần nền đường rồi dự án tạm dừng thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, dự án tuyến tránh TP Cao Lãnh có tổng chiều dài hơn 14,5 km, qua địa phận các xã An Bình, Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh), xã Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân và phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh). Điểm đầu và điểm cuối của tuyến tránh nối với QL.30 tại xã An Bình và xã Phong Mỹ. Đường thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 11 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng; trong đó, có hạng mục hầm chui dân sinh rộng 10,5 m, cao 3 m tại vị trí giao với đường Điện Biên Phủ (phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh).

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết, tuyến tránh TP Cao Lãnh đã được thi công trở lại, tiếp tục triển khai các gói thầu, nguồn vốn cũng được bố trí xong. Dự kiến năm 2024, tuyến tránh TP Cao Lãnh sẽ hoàn thành, khi đưa vào hoạt động sẽ giúp giảm lưu lượng xe qua TP Cao Lãnh, kết hợp với các tuyến cao tốc sẽ đi nhanh hơn về TP Cần Thơ, TP HCM, đồng thời kết nối đô thị phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp.

Nhiều người dân ở lân cận tuyến tránh TP Cao Lãnh rất vui mừng vì dự án được thi công trở lại sau nhiều năm tạm dừng. Ông Nguyễn Văn Hoạch (sinh năm 1957) ngụ xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh chia sẻ, công trình đã dừng thi công khá lâu rồi, tôi rất trông chờ làm lại. Mấy ngày nay, thấy có máy móc, thiết bị tập kết tại công trình và máy ủi, máy xúc hoạt động, tôi rất phấn khởi. Vậy là mong ước suốt nhiều năm qua của tôi đã thành hiện thực. Ông Hoạch hy vọng công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết thêm, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 90 km đường cao tốc, thêm 14 km đường quốc lộ. Cùng với xây dựng hoàn chỉnh tuyến tránh TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp còn phối hợp với Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh, đồng bộ các trục giao thông đường cao tốc, đường quốc lộ: tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; nâng cấp QL.N2B lên thành cao tốc. Đồng thời, kiến nghị đầu tư tuyến QL.30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà; tuyến đường N1 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.