Thị trường bất động sản: Lắm cảnh éo le, bao giờ mới bớt u ám?

Một số ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, phải mất từ 1 đến 2 quí để thị trường có thể dần dần hồi phục.
Thị trường bất động sản: Lắm cảnh éo le, bao giờ mới bớt u ám? - Ảnh 1.

Thiệt hại từ tài chính sẽ khiến nhà đầu tư chưa thể quay trở lại ngay với thị trường. Chính vì vậy, ít nhiều cũng phải mất một khoảng thời gian để nhà đầu tư bất động sản phục hồi.

Éo le thời đại dịch

Chị Thu Ánh - chủ một căn hộ cao cấp ở khu vực Mỗ Lao, Hà Đông cho biết đã rao bán căn hộ gần 4 tháng nay vẫn chưa bán nổi. Trước Tết, khi đại dịch chưa xảy ra, một số khách quan tâm hỏi mua căn hộ của chị nhưng vẫn chưa thể xuống tiền vì thoả thuận giá cả không đạt.

“Gần đây thì thậm chí chẳng có người hỏi. Tôi rất cần tiền muốn bán gấp, giá đã mềm hơn chút vẫn khó. Nhiều khách hẹn xong cũng không thấy đến xem", chị Anh chia sẻ. Tâm sự của chị Ánh là cảnh ngộ của nhiều người muốn bán nhà trong thời điểm Hà Nội phải thực hiện “cách li xã hội" vì đại dịch.

Đâu chỉ người bán, dân môi giới cũng khổ theo khi thị trường khó khăn. Cẩm Nhung, một nhân viên môi giới bất động sản cho biết, đã ở quê “trốn dịch" gần 2 tháng nay. Ở nhà trông con, Cẩm Nhung sốt ruột vì thu nhập không có.

Một bài báo với tiêu đề “Anh Grab rẽ hướng đi làm môi giới, tháng thu nhập 300 triệu đồng” từng gây chú ý, nhưng giờ đây nhiều dân môi giới trong cảnh khó khăn, lại phải quay lại làm shipper, chạy Grab kiếm sống qua ngày.

Giao dịch bất động sản thực sự vô cùng trầm lắng. Báo cáo của một loạt tổ chức cho thấy điều đó. Theo số liệu Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Phú Quý Land, tất cả các hoạt động mở bán tạm dừng khiến công ty phải rút bớt một số chi nhánh ở những địa phương không cần thiết, đồng thời, giảm số lượng nhân viên bán hàng để cân đối nguồn tiền.

Câu hỏi nhiều người quan tâm, bao giờ thị trường bớt u tối như thế này? Việc thị trường bao giờ hồi phục tuỳ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Đại diện CBRE dự báo, tình hình thị trường trong quí 2 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ dịch bệnh được kiểm soát nhanh đến đâu. Cho đến thời điểm đó, khả năng đứng vững của thị trường sẽ được kiểm chứng khi các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua để ở đều đang ở trạng thái chờ đợi.

Trao đổi với Dân trí, bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc CBRE cho biết, bất động sản đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điểm có thể được coi là lạc quan đó là thị trường sẽ khó có khả năng rơi vào "khủng hoảng”.

Nguyên nhân gây ra sự trầm lắng trên thị trường bất động sản năm 2020 hoàn toàn khác với năm 2010. Chính vì vậy, diễn biến thị trường tuy có sự trầm lắng nhưng sẽ không đổ vỡ giống nhau.

Nếu như thời điểm 2010, thị trường khủng hoảng do nguồn cung - cầu nội tại trên thị trường bị lệch nhau, dẫn đến bất động sản phải giảm giá mạnh thì hiện nay, bối cảnh năm 2020 hoàn toàn khác, thị trường bị tác động bởi yếu tố bên ngoài là dịch bệnh. Chính vì vậy thị trường đang bị kìm hãm và một khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ trên đà hồi phục trở lại, vị chuyên gia phân tích.

“Chính phủ cũng đang kiểm soát dịch rất tốt. Với giả định năm nay đại dịch được kiềm chế, thị trường bất động sản bị tác động nhưng sẽ không có chuyển đổ vỡ”, bà Dung nhấn mạnh.

Khó đổ vỡ, nhưng bao giờ hồi phục?

Theo dự báo của đại diện DKRA, ở mỗi phân khúc, diễn biến thị trường trong quí 2 sẽ khác nhau. Đối với nguồn cung đất nền mới tiếp tục duy trì sự khan hiếm khi không nhiều dự án mới mở bán.

“Trước sự phức tạp và tác động của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu sẽ tiếp tục suy giảm và có thể kéo dài do tâm lí đầu tư thận trọng cũng như áp lực về tài chính”, đại diện DKRA nhận định.

Còn đối với phân khúc căn hộ, đại diện DKRA cho rằng, sức cầu chung của thị trường có thể tiếp tục duy trì xu hướng giảm. Ở phân khúc khác như nhà đất, condotel cũng tương tự.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu tháng 5, tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường sẽ có những động thái thức tỉnh và có sự khởi động.

Một số ý kiến lại cho rằng, phải mất từ 1 đến 2 quí để thị trường phục hồi sau dịch. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thị trường vẫn cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Dịch Covid-19 đã gây tác động tiêu cực lên kinh tế, tài chính của rất nhiều đối tượng, từ người mua nhà đến dân đầu tư.

Thiệt hại từ tài chính sẽ khiến nhà đầu tư chưa thể quay trở lại ngay với thị trường. Chính vì vậy, ít nhiều cũng phải mất một khoảng thời gian để nhà đầu tư bất động sản phục hồi.

Tại Việt Nam, nhiều người tỏ ra lạc quan khi tình hình dịch bệnh được khống chế khá tốt, cộng với niềm tin từ các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế chưa từng có của Chính phủ sẽ tác động tích cực và thúc đẩy hồi phục nhanh nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khác lại tỏ ra bi quan khi chứng kiến khủng hoảng tại các nước phát triển và e ngại sẽ tác động đến Việt Nam, từ đó tác động tới bất động sản, khiến thị trường này còn ảm đạm trong một thời gian không ngắn.


chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.