Thị trường sẽ hưởng lợi gì từ Luật Kinh doanh Bất động sản 2023?

Dưới góc nhìn của các chuyên gia CBRE và Công ty Luật DIMAC, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ giúp giải quyết tình trạng chồng chéo luật, hạn chế phân lô bán nền, chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới, tránh thất thu thuế...

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11/2023, gồm 10 chương với 83 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Nhận định trong báo cáo mới đây, đội ngũ chuyên gia của CBRE Việt Nam và Công ty Luật DIMAC đã chỉ ra 9 điểm thay đổi nổi bật của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và phân tích những tác động của quy định mới tới thị trường bất động sản trong nước.

Thứ nhất, luật mới đã thu hẹp phạm vi điều chỉnh so với Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Qua đó giúp giải quyết vấn đề chồng lấn phạm vi điều chỉnh với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các luật có liên quan khác.

Thứ hai, luật đã điều chỉnh và làm rõ quy định tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư, thì được kinh doanh bất động sản như tổ chức cá nhân trong nước.

Việc sửa đổi này giúp tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng phạm vi hoạt động cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với các trường hợp cụ thể, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư.

Thứ ba, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này. Đây là điểm mới đáng chú ý thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua.

Tuy nhiên, CBRE cho rằng quy định đặt cọc không đề cập đến vấn đề phạt cọc, do đó tỉ lệ phạt cọc sẽ được áp dụng dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy, quy định này cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn và áp dụng một thời gian trên thực tế để đánh giá hiệu quả thi hành.

Thứ tư, về điều kiện đưa vào kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, luật bổ sung quy định mới về việc chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước theo quy định pháp luật đối với đất gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh. Quy định mới tiếp tục siết chặt điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh.

Theo đơn vị, trước đây việc yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính của mình chỉ được triển khai riêng lẻ theo chính sách của từng địa phương. Song, cách vận dụng này dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương và gây ra sự bất bình đẳng giữa các chủ đầu tư. Do đó, việc sửa đổi này hữu ích trong việc đảm bảo áp dụng thống nhất quy định pháp luật.

(Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Thứ năm, về nội dung bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cho phép bên mua được quyền lựa chọn việc có hoặc không có yêu cầu bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với họ.

Quy định này tạo điều kiện linh hoạt cho các bên được tự do thỏa thuận tùy thuộc vào nhu cầu thực tế nhưng vẫn cho phép bên mua có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bảo lãnh khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư.

Đồng thời, giúp đơn giản hóa giấy tờ, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện đúng quy định và khách hàng có cơ sở rõ ràng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao dịch với chủ đầu tư.

Thứ sáu, luật đã bổ sung thêm đô thị loại II và loại III vào nhóm hạn chế phân lô bán nền, theo đó siết chặt hơn quy định về hoạt động này so với hiện hành. Qua đó giúp đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho thị trường nhà đất, cảnh quan và phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, quy định mới cũng cụ thể hóa thủ tục cho nhà đầu tư để có cơ sở tiến hành chuyển nhượng. Cụ thể, trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo về việc quyền sử dụng đất đủ điều kiện gửi cho cơ quan có thẩm quyền. Trong 15 ngày, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra điều kiện của quyền sử dụng đất và trả lời về việc có đáp ứng điều kiện chuyển nhượng theo hình thức phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở hay không.

Thứ bảy, về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ/một phần dự án bất động sản, so với quy định hiện hành thì Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bổ sung điều kiện bắt buộc chủ đầu tư chuyển nhượng phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đối với dự án.

Quy định này siết chặt điều kiện chuyển nhượng của bên chuyển nhượng, ngăn ngừa tình trạng chuyển nhượng dự án nhằm tìm kiếm lợi nhuận và phù hợp với nguyên tắc người bán chỉ được quyền chuyển nhượng những gì mà họ có.

CBRE nhận định đây là điều khoản sàng lọc chủ đầu tư. Theo đó, chỉ những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt mới có thể tham gia vào các hoạt động M&A. Mặt khác, nó cũng có thể trở thành gánh nặng cho các chủ đầu tư khi tình trạng dự án chậm triển khai khá phổ biến ở Việt Nam.

Thứ tám, luật mới có quy định cụ thể điều kiện bắt buộc áp dụng cho chủ đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi nhận tiền thanh toán từ khách hàng là phải thông qua ngân hàng, các trường hợp khác sẽ do các bên tự thỏa thuận và không bắt buộc qua ngân hàng. Điều này cũng nhằm thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 18 về tăng cường thanh toán qua ngân hàng, không sử dụng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Cuối cùng, với luật mới, cá nhân được hành nghề môi giới miễn là có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế. Tuy nhiên, cá nhân không còn được hành nghề độc lập mà bắt buộc phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản. Theo CBRE, quy định mới đặt ra tiêu chuẩn để môi giới có thể hành nghề, giúp chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới và đồng thời cũng giúp tránh thất thu thuế cho nhà nước. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.