Thống đốc NHNN: 'Nên thông qua bên thứ 3 để đánh giá dự án BĐS nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ'

Thống đốc cho hay, các bộ ngành có thể cân nhắc kiến nghị của IMF để gỡ khó cho các dự án bất động sản, đó là thông qua bên thứ ba như kiểm toán để đánh giá dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ.

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, cân nhắc các rủi ro.

Chia sẻ cụ thể hơn về đề xuất này, Thống đốc cho biết, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Qua trao đổi với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), NHNN cho rằng, các bộ ngành có thể cân nhắc kiến nghị của tổ chức này, đó là các bộ ngành khó có thể đánh giá các dự án bất động sản, nên cần bên thứ ba như kiểm toán, để các dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ.

IMF cũng khuyến nghị thực hiện các giải pháp cần tránh rủi ro đối với bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng, kiểm soát kỳ hạn bởi thị trường trái phiếu và bất động sản có kỳ hạn dài.

Về phía NHNN, Thống đốc cho biết cơ quan này đang phối hợp các bộ ngành, Bộ Tư pháp để sửa đổi Thông tư 16 để đảm bảo tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro từ bài học của ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ), đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.

Với chương trình hỗ trợ lãi suất, NHNN cho biết đã họp với các bộ ngành và thống nhất không sửa Nghị định 31 nhưng sẽ xem xét vấn đề chuyển nguồn tiền không giải ngân hết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP).

Phân tích về những thuận lợi và khó khăn trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu vẫn còn chịu những tác động từ đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine, sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ, châu Âu do rủi ro từ việc lấy vốn huy động ngắn hạn để đầu tư dài hạn, rủi ro khi FED tăng mạnh lãi suất…

Bên cạnh đó, lạm phát các nước đã qua đỉnh nhưng còn cao, chính sách tiền tệ điều chỉnh đã giảm bớt sự thận trọng nhưng vẫn đang kiểm soát lạm phát, làm ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và đầu tư của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Với Việt Nam, nền kinh tế đang gặp khó khăn chung nhưng yếu tố lạm phát được kiểm soát ở mức 4,18% là thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong vấn đề giá cả.  Về thanh khoản, trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết, hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản, quý I mua 4 tỷ USD tức là bơm tiền ra. Qua Tết, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng khá cao.

Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm ngoái và một số ngân hàng trên thế giới sụp đổ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định an toàn, đáp ứng thanh khoản cho người dân.

Về tín dụng đã tăng 2,06%, Thống đốc cho biết, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm ngoái. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.

Về lãi suất, năm ngoái đã tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp và mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng giảm, cuối tuần trước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 0,5-1% trên cơ sở lạm phát âm, Fed điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định.

Tag:
chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.