Thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại TP Huế

Khi tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, TP Huế sẽ được chia thành hai quận riêng biệt là quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương. Cùng điểm qua những thông tin quy hoạch nổi bật tại TP Huế.

Huế là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây từng là kinh đô (cố đô Huế) của Việt Nam dưới triều Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945).

Hiện nay, thành phố là một trong những trung tâm về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Thành phố này có diện tích khoảng 266 km2.

Thành phố Huế có 36 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 29 phường bao gồm An Cựu, An Đông, An Hòa, An Tây, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Hồ, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Phú Hậu, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phước Vĩnh, Phường Đúc, Tây Lộc, Thuận An, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ, Xuân Phú và 7 xã bao gồm Hải Dương, Hương Phong, Hương Thọ, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Thủy Bằng.

 TP Huế hiện nay. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Sẽ chia thành hai quận khi Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu...

Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm hai quận (trong đó TP Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), ba thị xã (TX Hương Thủy, TX Hương Trà và thành lập TX Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Đến năm 2030, TP Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm ba quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), hai thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông).

Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); một thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.

Như vậy, khi tỉnh Thừa Thiên Huế "chuyển mình" lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, TP Huế sẽ được chia thành hai quận riêng biệt là quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương.

TP Huế sẽ chia thành hai quận khi Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Nằm trên hai hành lang kinh tế, là một trong ba đô thị trung tâm của tỉnh

Theo Quy hoạch trên, TP Huế được xem là đô thị trung tâm, quận Hương Thủy, TX Hương Trà; trong đó quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế...

Cùng với đó, TP Huế còn nằm trên hai hành lang kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế là hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc - Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), quốc lộ 49 B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển.

Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP Đà Nẵng với trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối TP Huế, TX Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch sử dụng đất TP Huế năm 2024, về chỉ tiêu phân bổ các loại đất, diện tích đất nông nghiệp chiếm 14.295 ha, chiếm 53,6%; đất phi nông nghiệp chiếm 11.984 ha, chiếm 45%; đất chưa sử dụng khoảng 367 ha.

 Quốc lộ 1 là một trong những hành lang kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Báo Giao thông).

Loạt dự án hạ tầng triển khai tại TP Huế

Về hạ tầng giao thông của TP Huế, một đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi ven thành phố là cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tuyến cao tốc này có điểm đầu tại Km 0+00 trùng với Km 10+380 quốc lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km 102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12 m, bề rộng nền 23 m, các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m. Tuyến cao tốc qua TP Huế chạy song song với tuyến đường tránh thành phố.

Liên quan đến tuyến cao tốc này, từ thực tế khai thác các cao tốc đầu tư hai làn xe và vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa qua đã giao các đơn vị khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường, khắc phục ngay những bất cập, báo cáo Bộ phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu với điều kiện hạ tầng hiện có.

Bộ trưởng bộ Giao thông cũng yêu cầu các đơn vị triển khai nhanh nhất công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn triển khai.

Bên cạnh tuyến cao tốc này, TP Huế còn có loạt dự án giao thông đã và sẽ triển khai, đầu tiên phải kể đến là dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương.

Dự án do tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư với tổng vốn 2.281 tỷ từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Công trình thuộc tuyến đường vành đai 3 - là trục giao thông chính, xuyên tâm vào TP, kết nối liên thông 2 đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà - Hương Thủy với TP Huế.

Đây là cây cầu thứ 5 ở Huế bắc qua sông Hương, nằm ở khoảng giữa Tử Cấm Thành và chùa Thiên Mụ, điểm đầu của cầu là đường Nguyễn Hoàng (phường Kim Long), điểm cuối đường Bùi Thị Xuân (phường Phường Đúc). Dự án khởi công cuối năm 2022 và dự kiến hoàn thành tháng 12/2025.

Đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương đang thi công tại TP Huế. (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường).

Tiếp theo là tuyến đường ven biển và cầu qua cửa Thuận An, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 3 đoạn tuyến và một cầu qua cửa biển với tổng chiều dài khoảng 22 km, tổng mức đầu tư hoàn thiện 3.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.

Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng đoạn tuyến số 1 dài gần 8 km, trong đó có cầu Thuận An dài khoảng 2,4 km với số vốn 2.400 tỷ đồng, khởi công ngày 26/3/2022 và dự kiến hoàn thành ngày 26/3/2025.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2027, tỉnh này cũng sẽ đầu tư xây dựng đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài có tổng chiều dài khoảng 9,59 km. Điểm đầu tiếp giáp vị trí thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, thuộc khu E - Đô thị mới An Vân Dương.

Điểm cuối tuyến nằm tại nút giao đường Thuận Hóa với Quốc lộ 1A. Dự án đi qua địa phận 6 phường, xã thuộc thị xã Hương Thủy, bao gồm phường Thủy Dương, phường Thủy Phương, phường Thủy Châu, phường Phú Bài, phường Thủy Lương và xã Thủy Thanh.

Tổng mức đầu tư của tuyến đường này là 1.143 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dự án là 759 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 124 tỷ đồng. Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành vào quý I/2027. Từ quý II/2027 đi vào vận hành. Thời gian thực hiện trong 4 năm.

Bên cạnh đường Nguyễn Tất Thành hiện hữu và dự án đường Tố Hữu kéo dài sắp khởi công, Thừa Thiên - Huế cũng sẽ đầu tư đường vành đai 3 kết nối với KCN Phú Bài.

Tuyến này sẽ triển khai giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 với kinh phí 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng, còn lại vốn địa phương. Quy mô tuyến dài khoảng 8,3 km, rộng 43 m, vận tốc thiết kế 50 km/h.

Điểm đầu tuyến giao QL 1A tại Km816+830 (khu vực nút giao TL8B), điểm cuối giao QL49A tại Km19+170 (ngã ba đường Võ Văn Kiệt và đường Minh Mạng - TP Huế).

Loạt bất động sản hiện diện tại TP Huế

Cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản tại TP Huế có sự xuất hiện của nhiều dự án của các chủ đầu tư lớn.

Mới đây nhất, dự án khu đô thị phía đông đường Thủy Dương - Thuận An (tên thương mại là BGI Diamond Bay), thuộc khu E, Khu ĐTM An Vân Dương đã chính thức được khởi công xây dựng.

Dự án BGI Diamond Bay là một trong những điểm nhấn về kiến trúc với quy mô gần 25 ha nằm tại đường Tố Hữu, Khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế. Tổng mức đầu tư của dự án này gần 2.000 tỷ đồng. 

Dự án được chia thành 6 phân khu, trong đó phân khu vùng lõi bao gồm 72 căn biệt thự. Theo đại diện Nhà phát triển dự án BGI Group cho biết, dự án sẽ cung cấp cho thị trường Huế 425 sản phẩm nhà ở thấp tầng cao cấp bao gồm các loại hình sản phẩm bao gồm biệt thự, nhà phố và nhà vườn liên kế và gần 1.000 căn nhà ở xã hội. 

Hồi tháng 3, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông báo mời thầu rộng rãi dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, TP Huế.

Dự án sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở với dự kiến khoảng 160 căn nhà ở dạng thấp tầng và khoảng 2.100 căn hộ thương mại, dân số dự án khoảng 9.000 người. Ngoài ra, tại dự án này, nhà đầu tư trúng thầu phải dành khoảng 2,47 ha để xây dựng nhà ở xã hội.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4.280 tỷ đồng đồng, chưa bao gồm tiền sử dụng đất. Thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Theo tìm hiểu của người viết, có hai nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng được yêu cầu sơ bộ về năng lực là: Liên danh CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJILAND - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản BLUE STAR và Liên danh CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons.

Cũng trong tháng 3, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công bố nhà đầu tư duy nhất đăng ký làm Khu du lịch cao cấp Lương Quán, phường Thủy Biều, TP Huế là liên danh CTCP Khách sạn GHC - Công ty TNHH Hà Đạt.

Khu du lịch cao cấp Lương Quán có quy mô hơn 4,7 ha, hiện trạng chủ yếu là đất trồng cây lâu năm. Đây sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp với tiêu chuẩn 4 sao trở lên. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 192 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư là 10 tỷ đồng.

Hồi tháng 1, Tập đoàn Deawon (Hàn Quốc) cũng đã đề xuất thưc hiện dự án Khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại xã Hương Thọ, TP Huế và khu vực thuộc thị xã Hương Trà.

Theo đề xuất dự án có diện tích là 282,5 ha. Trong đó, khu vực xã Hương Thọ thuộc TP Huế có diện tích 231 ha, khu vực thuộc thị xã Hương Trà có diện tích 50 ha. Dự án đề xuất 7 khu chức năng chính và 1 khu chức năng hỗ trợ.

Bên cạnh các dự án bất động sản nhà ở, dự án trung tâm thương mại Aeon Mall Huế dự kiến sẽ đi vào hoạt động ngay trong tháng 9 năm nay.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.916 tỷ đồng; tổng diện tích khu đất thực hiện hơn 8,6 ha và bắt đầu thi công các hạng mục chính từ tháng 1/2023. Theo cập nhật mới nhất, toàn bộ dự án đạt tiến độ trên 81% so với kế hoạch xây dựng; trong đó, có một số hạng mục cơ bản hoàn thành.