Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua: Dự chi 2.800 tỷ đồng cho đường song hành vành đai 4, sắp làm vành đai 2 TP HCM đoạn Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa

Bắc Ninh dự chi gần 2.800 tỷ đồng cho đường song hành vành đai 4; sắp làm đường vành đai 2 TP HCM đoạn Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa; sắp thông xe thêm 150 km cao tốc Bắc - Nam,... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Bắc Ninh dự chi gần 2.800 tỷ đồng cho đường song hành vành đai 4

Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.3, xây dựng đường song hành (đường đô thị) qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, thuộc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

 Về quy mô đầu tư, dự án này có tổng chiều dài trung bình khoảng 30,6 km. Đoạn tuyến vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có chiều dài trung bình khoảng 23,5 km, trong đó, đường song hành trái có chiều dài khoảng 22 km (không bao gồm đoạn đi trùng với tuyến số 5 của khu công nghiệp Thuận Thành 1 do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư); đường song hành phải có chiều dài khoảng 25 Km).

Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông cấp I. Tổng mức đầu tư dự án là 2.794 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 2.469 tỷ đồng; chi phí thiết bị 3,1 tỷ đồng; chi phí QLDA 16,4 tỷ đồng; chi phí TVĐTXD gần 89 tỷ đồng; chi phí khác là 29 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 190 tỷ đồng.

Sắp làm đường vành đai 2 TP HCM đoạn Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa

Theo Trung tâm Báo chí TP HCM, lãnh đạo thành phố vừa có buổi kiểm tra tiến độ một số dự án giao theo đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn.

Tại Dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP sẽ tập trung chỉ đạo để giải quyết cơ bản xong phần giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện thi công thuận lợi. Hiện dự án đang được người dân đồng thuận là một thuận lợi lớn, các đơn vị cố gắng triển khai sớm. 

Một góc nút giao Gò Dưa. (Ảnh tư liệu: Hải Quân). 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các Sở liên quan sớm hoàn thiện, trình lại điều chỉnh phụ lục hợp đồng trong tháng 5 để dự án sớm triển khai. Dự kiến, tháng 6 năm nay, dự án thi công trở lại, sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Giải phóng mặt bằng cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ chưa đảm bảo tiến độ

Đến ngày 10/5, việc giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc đường bộ Vạn Ninh – Cam Lộ (dự án) đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Vướng mắc nhất hiện nay là các địa phương triển khai công tác tái định cư quá chậm, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Hướng tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. (Ảnh: Tạp chí Giao thông Vận tải).

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND các huyện tăng cường thực hiện giải phóng mặt bằng; đồng thời rà soát khả năng thực hiện tái định cư của Hội đồng giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án huyện để có giải pháp tăng cường hỗ trợ nhân sự; yêu cầu phải đảm bảo hoàn thành và bàn giao mặt bằng trong phạm vi tuyến chính cho chủ đầu tư dự án đúng tiến độ vào ngày 30/6.

Nghiên cứu làm đường nối Bình Phước - Đồng Nai

Theo Báo Chính phủ, ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công văn về việc đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Theo Bộ GTVT, tuyến đường có điểm đầu tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoạn đầu tuyến đi trùng ĐT 753 khoảng 15 km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo hai hướng tuyến.

Cụ thể, phương án 1 do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có chiều dài khoảng 76 km, trong đó khoảng 31 km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. 

Phương án 2 do Bộ GTVT nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng), tuyến tiếp tục đi theo 15,5 km xây dựng mới để kết nối với đường vành đai 4 TP HCM tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 71 km. 

Đồng Tháp dự kiến khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vào tháng 6

Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo Triển khai thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tổ chức họp định kỳ để đánh giá tiến độ dự án và đề ra nhiệm vụ thực hiện tiếp theo.

Theo báo cáo, đến ngày 27/4, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (thành phần 1) đã có 511/533 hộ dân nhận tiền bồi thường, đạt tỷ lệ 96%, giá trị bồi thường hơn 478 tỷ đồng. Một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường do còn khiếu nại về giá bồi thường.

Phần mặt bằng (dự án thành phần 1) đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông tỉnh là 92,3 ha/101 ha, đạt tỷ lệ 91%. Về bố trí tái định cư, đã tổ chức bốc thăm 55 nền (48 hộ), còn lại 62 nền (53 hộ). Ban Quản lý dự án tiếp tục triển khai các gói thầu theo đúng tiến độ đã đề ra, dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 6.

Sắp thông xe thêm 150 km cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa qua đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Lễ khánh thành sẽ được tổ chức trực tiếp vào sáng 19/5/2023 tại hai địa điểm.

Trong đó, Lễ khánh thành hai dự án và cắt băng khánh thành dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm sẽ được tổ chức tại Km 33+800 thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Một đoạn cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8 km đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Báo Giao thông). 

Lễ cắt băng khánh thành dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết được tổ chức tại lý trình Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự kiến khởi công cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trong năm nay

Tỉnh Lâm Đồng hiện đang tập trung hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới khởi công hai cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nhằm kết nối giao thông giữa Lâm Đồng với TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là hai tuyến cao tốc nối liền đi qua các huyện, thành phố gồm Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km.

Hướng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, bao gồm hai đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. (Ảnh: Báo Thanh niên). 

Đây là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc 200 km Dầu Giây - Liên Khương, trong toàn bộ ba dự án là Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai), Tân Phú - Bảo Lộc (dài 66 km, trong đó 11 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và 55 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (dài 73 km trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.