Thư bác sĩ mổ đẻ cho bà mẹ ung thư gửi những người mẹ

Bác sĩ Trần Danh Cường, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, là người thực hiện ca mổ đẻ cho bà mẹ 28 tuổi bị ung thư Nguyễn Thị Liên hôm 22/5. Tám ngày sau cuộc mổ đón cháu bé chào đời, ông viết thư, chia sẻ với các bà mẹ.
Thư bác sĩ mổ đẻ cho bà mẹ ung thư gửi những người mẹ - Ảnh 1.

Các bác sĩ chuẩn bị trước khi mổ đẻ cho chị Liên hơn một tuần trước. (Ảnh: NGUYỄN KHÁNH)

Hai hôm trước, Bệnh viện K nhắn đến: "Bạn Liên đang rất khó khăn, đã phải mở nội khí quản, chúng tôi mong có clip về cậu bé con để nếu có cơ may tỉnh lại, Liên sẽ được nhìn thấy con trai".

Vậy là trong 2 ngày 28, 29 và cả hôm nay 30/5, mỗi ngày chúng tôi đều gửi clip về cháu bé Bình An xuống Bệnh viện K. Có phải có điều thần không? Tôi chưa dám nói điều đó. Nhưng chiều 28/5, sau 4 ngày rất mệt, mê man, phải mở nội khí quản để hỗ trợ thở, thì chiều 28/5 Liên đã tỉnh hơn. Cô ấy đã nhìn thấy con trai qua màn hình điện thoại.

Hai ngày nay, Liên đã tốt hơn một chút, chúng tôi bắt đầu hi vọng cô ấy sẽ có cơ hội gặp con mình, dù rất khó vì cháu cũng cần nằm trong lồng ấp, Liên đang thở máy, hai bệnh viện chúng tôi lại cách nhau quá xa…

Thật ra tôi nghĩ Liên đã khó khăn ngay từ lúc đang mổ, ngay trong ca mổ huyết động của cô ấy không ổn định do mất máu trong quá trình bóc bánh nhau và thiếu ôxy. Sau ca mổ, tình trạng của Liên là đã được mổ lấy thai nhưng ung thư thì vẫn tiến triển.

Khó khăn với Liên là giờ không có biện pháp điều trị nào hiệu quả. Đã từng có lúc tôi nghĩ sự sống của cô ấy chỉ tính bằng ngày.

Thai nghén là thời điểm đặc biệt của mỗi phụ nữ. Bác sĩ chúng tôi gọi thời điểm ấy là "tình trạng thai nghén", lúc đó mỗi người phụ nữ thay đổi hoàn toàn, bị suy giảm miễn dịch, không chỉ ung thư mà phụ nữ mang thai đang có sẵn bất căn bệnh nào thì tình trạng thai nghén cũng làm bệnh ấy nặng lên, ung thư có thể tiến triển từ giai đoạn có thể điều trị sang giai đoạn không thể.

Thời điểm thai nghén do cơ thể giữ nước, các tế bào đều mềm, tế bào ung thư có thể di chuyển đi xa. Các bệnh nội khoa như thận, gan, phổi, nội tiết, basedow hay bất bệnh gì khác cũng tiến triển nặng lên như thế.

Tôi làm bác sĩ sản khoa từ 1987 đến nay, đã mổ hàng ngàn ca, đã gặp hàng ngàn câu chuyện, mỗi khi gặp những bà mẹ mới thấy là mình còn biết rất ít về mẹ: Có chị mang con gái 13 tuổi bị bại não đến chữa bệnh, tôi thấy con gái chị bị bại não nên hỏi vì sao chị không sinh thêm? Chị ấy nói phải dành thời gian sức lực chăm sóc cô con gái đang ốm đau.

Có những chị mang thai bị phù, rụng hết tóc, thay đổi hoàn toàn so với hồi con gái. Như chị Liên, nếu chị ấy đình thai hồi tháng 3 thì cơ hội xử trí, điều trị sẽ tích cực hơn. Nhưng chị ấy đã hi sinh mình cho con.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta đã đặt cho các mẹ cái tên chung là "mẫu". Tôi cứ nghĩ đó còn là thể hiện sự mẫu mực, chính người mẹ đã tạo ra tính cách của con mình. Có một điều tiếc ở vị trí của tôi, đó là chúng tôi chưa làm được nhiều về tầm soát ung thư cho phụ nữ, nhiều chị em có bệnh mới đến bệnh viện.

Chỉ mong rằng năm nay chúng tôi hoàn thành trung tâm này, làm được nhiều hơn việc tầm soát bệnh sớm cho phụ nữ, để làm sao bớt đi những ca mổ khó như ca mổ cho Liên và trước đó ca mổ cho Đậu Thị Huyền Trâm, cũng là một bệnh nhân ung thư qua đời ngay khi con trai sinh non chưa tròn một tháng tuổi. Cầu mong cho Liên và con trai một cái kết có hậu.


chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.