Trao đổi với VnExpress, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết các nhà mạng vừa có cuộc họp với Bộ Thông tin & Truyền thông về việc thử nghiệm kỹ thuật việc chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portability).
Đây là dịch vụ mà người dùng có khả năng tự lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho mình mà không phải thay đổi số điện thoại.
Ông Thắng cho biết, để triển khai chuyển mạng giữ số, nhà mạng phải chuẩn bị ít nhất 4 công đoạn là trang bị thêm tính năng chuyển mạng giữ số trên hệ thống mạng lõi, viết thêm một tính năng tính cước, kết nối với các nhà mạng với nhau và viết phần mềm tại các cửa hàng để kiểm tra kết nối với hệ thống của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông.
Theo ông Thắng, hiện cả 4 công đoạn này về cơ bản đều đã được nhà mạng chuẩn bị xong và tiến hành thử nghiệm về mặt kỹ thuật từ ngày 22/9.
Các nhà mạng đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai chuyển mạng giữ số vào cuối năm nay. Ảnh: Anh Quân |
Đại diện MobiFone cũng cho biết đã tiến hành các bước thử nghiệm về mặt kỹ thuật của quy trình chuyển mạng giữ số theo đúng lộ trình của Cục Viễn thông đề ra. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng về mọi mặt từ kỹ thuật, dịch vụ, chăm sóc khách hàng nhằm đáp ứng việc chính thức áp dụng chuyển mạng giữ số bất cứ khi nào.
Đến cuối tháng 6/2017, Việt Nam ước có khoảng 126,5 triệu thuê bao.
Theo lãnh đạo một trong ba nhà mạng lớn khác là VinaPhone cũng cho biết hệ thống cổng chuyển mạng giữ số của đơn vị này đang trong quá trình kết nối với hệ thống xử lý chuyển mạng trung tâm của Bộ Thông tin & Truyền thông và dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt trong tháng 10/2017.
Ở góc độ cơ quan quản lý, đại diện Cục Viễn thông cho biết đầu tháng 10 sẽ có kịch bản triển khai cụ thể.
Tuy nhiên, dự kiến việc chuyển mạng giữ số sẽ được áp dụng vào cuối năm nay hoặc muộn nhất là đầu năm 2018.
Theo Đề án được phê duyệt cuối năm 2013 thì dịch vụ này sẽ được cung cấp chính thức trước 31/12/2017.
Cục Viễn thông đã xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung tại Trung tâm mạng quốc gia và đến nay các doanh nghiệp di động có thể kết nối kỹ thuật chuẩn bị cho việc chuyển mạng giữ nguyên số. Khi
một chủ thuê bao di động gửi yêu cầu chuyển mạng tới nhà mạng thì doanh nghiệp sẽ chuyển tiếp yêu cầu này tới Trung tâm chuyển mạng. Trung tâm chuyển tiếp yêu cầu đó đến nhà mạng cũ của chủ thuê bao để kiểm tra, xác thực thông tin thuê bao và phản hồi lại về việc chấp thuận hoặc từ chối yêu cầu chuyển mạng.
Ông Thắng nhận định, việc chuyển mạng giữ số sẽ giúp người tiêu dùng được lựa chọn dịch vụ có chất lượng tốt, phù hợp với mong muốn, nhu cầu của mình. Ông cũng cho rằng đây là
một cú hích khiến nhà mạng thúc đẩy về chất lượng dịch vụ, chăm sóc, chính sách giá cước để không chỉ là giữ chân khách hàng cũ mà còn thu hút thuê bao mới.
Trước lo ngại liệu có xảy ra tình trạng nhà mạng áp dụng chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng nhưng khi hết chính sách ưu đãi lại chuyển sang nhà mạng cũ hay không, ông Thắng cho rằng điều này không đáng ngại.
Ông cho biết, ở những thị trường Viettel đã tham gia như Peru, chuyển mạng giữ số đã được triển khai từ lâu. Tuy nhiên, những trường hợp chuyển mạng giữ số vì khuyến mại không nhiều.
"Bản chất việc giữ chân khách hàng muốn lâu dài thì đó phải là vùng phủ, chất lượng mạng lưới, tốc độ và sự ổn định... Khách hàng thường cũng khá trung thành với mạng mình đang sử dụng nếu đáp ứng những tiêu chí đó", ông Thắng cho hay.
Đề xuất chuyển mạng di động không cần đổi số được Bộ Bưu chính Viễn thông cũ, nay là Bộ Thông tin & Truyền thông đề cập từ hồi cuối năm 2006. Tuy nhiên, đến tháng 9/2013, đề án triển khai mới chính thức được phê duyệt.
Quyết định trên nhằm nâng cao tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường viễn thông và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Có giai đoạn, cơ quan quản lý cũng dự kiến sẽ thử nghiệm việc chuyển mạng giữ số từ năm 2015, song đến nay công đoạn này mới được triển khai.
Đến nay, trên thế giới nhiều quốc gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, trong đó chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia...
Tại Việt Nam, các hãng viễn thông từng áp dụng hình thức đơn giản hơn để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Chẳng hạn, tại thời điểm mới tham gia thị trường, Viettel cho phép thuê bao đầu 091 (VinaPhone) và 090 (MobiFone) được chuyển sang mạng 098 mà vẫn giữ nguyên được dải 7 số cuối.
Nghĩa là, khách hàng chỉ việc thay đổi mỗi đầu số 091 sang 098 hoặc từ 090 sang 098... Sau Viettel, S-Fone là hãng viễn thông thứ 2 áp dụng chính sách này để thu hút thuê bao.
Dự kiến quy trình chuyển mạng di động giữ nguyên số gồm 7 bước như sau: Tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng; Kiểm tra điều kiện chuyển mạng của thuê bao; Lập lịch chuyển mạng; Thực hiện chuyển mạng; Cập nhật thông tin định tuyến sau chuyển mạng; Đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin định tuyến và thông tin thuê bao chuyển mạng; Thông báo cho khách hàng thông tin về quá trình chuyển mạng. |
Nhà mạng trước nguy cơ 'cháy' kho số di động Mạng di động có nguy cơ “cháy” kho 10 số lớn nhất là Vietnamobile... Nhà mạng trước nguy cơ "cháy” kho số di động |