Mạng di động có thể trở thành kênh trung gian thanh toán không?

Trong dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, nhà mạng viễn thông cũng sẽ được cung cấp dịch vụ thanh toán riêng và định danh người dùng bằng số điện thoại.

Trước đây, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Nhưng sau 6 năm triển khai, nghị định này đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Cùng với sự phát triển của Internet và thương mại điện tử, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đang có bước phát triển lớn tại Việt Nam trong thời gian qua. Người dùng có thể sử dụng tài khoản thanh toán thẻ tín dụng hoặc ví điện tử của mình với mọi dịch vụ từ mua sắm đến đi lại.

Việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 là cần thiết để giải quyết các vấn đề bất cập đáp ứng nhu cầu thực tiễn và theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế.

mang-di-dong-co-the-tro-thanh-kenh-trung-gian-thanh-toan-khong

(Nguồn: VietnamPlus).

Trước đây, việc cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng trong và ngoài nước, tổ chức tín dụng và một số tổ chức khác.

Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 được Ngân hàng Nhà nước tổ chức lấy ý kiến trong một sự kiện gần đây, điểm mới được đưa ra thảo luận là việc cho phép nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được phát hành tiền di động.

Ngoài ra, các tổ chức muốn cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cũng cần được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước và đáp ứng một số điều kiện bắt buộc như có đủ hạ tầng kỹ thuật, có phương án kinh doanh, có khả năng bảo mật, nhân sự có đủ nghiệp vụ.

Đối với tiền di động do các mạng viễn thông cung cấp, mọi chức năng cũng sẽ hoạt động giống với một tài khoản thanh toán bình thường của các ngân hàng.

Trên thực tế, tiền di động là mô hình đã thành công ở nhiều nước trên thế giới. Ở những khu vực dịch vụ ngân hàng không thể tiếp cận, việc các mạng di động với ưu thế có điểm dịch vụ tại từng địa phương đã mang tới cho người dân ở Brazil, Ấn Độ khả năng sử dụng các dịch vụ thanh toán nhưng có chi phí rẻ hơn.

Các nhà mạng cũng có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán vì toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo về bảo mật của mạng viễn thông đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Tiền di động không cạnh tranh với ngân hàng truyền thống

Việc định danh người dùng qua số thuê bao di động không phải là việc đơn giản. Với gần 134 triệu thuê bao di động đang hoạt động trên cả nước, trung bình mỗi người dân có hơn 1 số điện thoại. 

Do vậy bản thân các mạng di động cần thực hiện tốt việc sàng lọc, kiểm soát thông tin thuê bao. Vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những biện pháp bắt buộc các mạng di động phải kiểm soát tốt thông tin của người dùng.

Ngoài ra dự thảo nghị định mới được lấy ý kiến cũng nêu rõ, tài khoản cước viễn thông phải tách biệt hoàn toàn với tài khoản thanh toán. Người dùng không thể mua thẻ cào điện thoại để nạp vào tài khoản tiền di động, đồng thời tài khoản tiền di động cũng phải có số dư tối thiểu, có hạn mức chuyển tiền, rút tương tự với tài khoản ngân hàng. Điều này giúp ngăn chặn việc sử dụng tài khoản của các nhà mạng cung cấp cho các mục đích vi phạm pháp luật.

Các mạng cũng có trách nhiệm về bảo mật dữ liệu, thông tin đảm bảo an toàn cho tiền của người dùng và các giao dịch mà mình cung cấp dịch vụ.

Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra các mạng viễn thông đang có nhiều ưu thế hơn khi cung cấp dịch vụ tiền di động. Ở nhiều nước, việc phát triển tiền di động cũng thường xuất phát từ các mạng di động.

Việc cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đã được một số nhà mạng tại Việt Nam như Viettel hay VNPT triển khai. Trong đó dịch vụ như ViettelPay đã có thể chuyển tiền, thanh toán cho các dịch vụ như bảo hiểm, viễn thông, giáo dục... tương tự dịch vụ mà các ngân hàng cung cấp qua ứng dụng di động.

Đại diện nhà mạng cho biết hiện nay ngân hàng trong nước mới chỉ phục vụ được 30% dân số, nhưng tiền di động có thể giúp 70% dân số tiếp cận các dịch vụ vì tốc độ triển khai dịch vụ rất nhanh. Ban đầu khi triển khai Mobile Money, người dùng sẽ chỉ có những dịch vụ cơ bản nhưng sau đó các ứng dụng của dịch vụ sẽ được mở rộng khi khách hàng đã quen với thanh toán điện tử.

Việc triển khai tiền di động không tạo ra cạnh tranh với ngành ngân hàng truyền thống, trái lại, đây lại trở thành mảnh ghép cho thanh toán điện tử tiếp cận đến phân khúc thị trường tiền lẻ, những giao dịch nhỏ trong đời sống.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.