Thủ phủ quy hoạch… treo!

Lãnh đạo sở - ngành ở TP HCM nhiều lần ra tối hậu thư cho các dự án chậm triển khai nhưng xem ra vẫn chưa ép phê với những chủ đầu tư chây ì.

Theo thống kê, TP HCM có hơn 1.200 dự án đang trong giai đoạn triển khai nhưng thực tế, một nửa trong số này vẫn án binh bất động. Đáng nói, có những địa phương vì quá nhiều dự án chậm triển khai nên người dân gọi là "thủ phủ" quy hoạch treo.

25 năm vẫn chưa khởi công

"Thủ phủ" của các dự án chậm triển khai được xác định là 2 huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Ở 2 huyện này tồn tại những dự án kéo dài trên 25 năm vẫn chưa có dấu hiệu khởi công. Cụ thể ngày 3/5, đi dọc con đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), đếm sơ chúng tôi cũng ghi nhận cả chục khu đất trống cỏ mọc um tùm của các dự án có quyết định triển khai từ lâu. Điển hình, con đường nối giữa Lê Văn Lương và Nguyễn Hữu Thọ để dẫn vào Bệnh viện huyện Nhà Bè chỉ vài căn nhà kiên cố có người ở. Xa xa là những chòi tranh, vách lá lụp xụp có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Theo tìm hiểu, những ngôi nhà trên thuộc dự án khu nhà ở Phước Kiển II do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư. Tính đến nay đã hơn 15 năm nhưng dự án vẫn còn "đắp chiếu". Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là chưa thỏa thuận thành công việc đền bù, giải tỏa.

Gần đó, cũng có một khu vực cỏ mọc um tùm. Đây là miếng đất của dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển có quy mô gần 92 ha do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Tính đến nay, đã 9 năm ròng rã doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện được các bước thỏa thuận giải tỏa, đền bù cho dân. Bà Trần Thị Bích (49 tuổi) - một hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này, bức xúc nói tường nhà bà nứt toác nhưng không được phép sửa sang chỉ vì lý do hiện căn nhà nằm trong quy hoạch. "Sửa nhà thì không được phép, trùng tu lại cổng ra vào cũng bị cấm" - bà Bích than thở.

thu phu quy hoach treo thu phu quy hoach treo
Dự án khu nhà ở Phước Kiển II (huyện Nhà Bè, TP HCM) bị treo hơn thập kỷ khiến người dân khốn khổ

Rời Nhà Bè, chúng tôi ghi nhận dọc đường Nguyễn Văn Linh (đoạn thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), hai bên là hàng loạt khu dân cư lụp xụp đến xót lòng. Theo các hộ dân ở đây, cuộc sống của họ đã bị treo theo dự án hơn thập kỷ. "Hồi đó, một vài người ăn mặc lịch sự đến nhà chúng tôi cho biết sẽ bồi thường một khoản tiền để lấy đất làm khu dân cư 6A. Đến nay, chờ mãi chẳng thấy tiền đâu, gia đình tôi cứ phải sống vật vờ" - ông Phạm Văn Phúc, ngụ xóm Gò, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, nêu. Theo tìm hiểu của phóng viên, lúc đầu dự án khu dân cư 6A được UBND TP chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Nhà làm chủ đầu tư. Đơn vị này đã nhận tiền hàng trăm người dân để làm hợp đồng góp vốn, phiếu đặt chỗ. Nhưng sau đó lại không đủ khả năng triển khai nên đã "sang tay" cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát tiếp tục thực hiện một phần đất được giao. Pháp lý bắt đầu nhùng nhằng và người dân theo đó khốn đốn vì bị treo quyền lợi.

Trong khi đó, người dân sống trên đường Hoàng Đạo Thúy, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh hơn 20 năm không thể nào xin tách thửa hay cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới và giấy phép sửa sang nhà cửa vì vướng quy hoạch khu dân cư mới. Ở đây, tất cả đều làm nhà tạm. Khổ nhất có những hộ đến 12 nhân khẩu nhưng vẫn chen nhau "chui ra, chui vào" trong căn nhà rộng chưa đầy 40 m2, trong khi đất đai của họ rất rộng, có thể cất được vài ba biệt thự. Ông Trương Văn Thành, 53 tuổi, bức xúc: "Đất có chủ quyền, nhà ở đã được cấp số từ lâu nhưng tách thửa tạo vốn cho con cưới vợ không được, trong khi ruộng vườn xung quanh cứ thể bỏ hoang. Hỏi vậy ai không xót, không bức xúc. Mong TP xử nghiêm mấy ông chủ đầu tư chây ì triển khai dự án để bảo đảm quyền lợi cho người dân sớm ngày nào hay ngày đó".

Chủ đầu tư ôm đất chờ thời

Theo báo cáo từ UBND huyện Nhà Bè, hiện địa phương có đến 98% tổng số dự án chưa hoàn thành các thủ tục đất đai. Nguyên nhân các dự án trễ là do chưa thẩm định chứng thư, thẩm định giá của các sở - ngành còn chậm, kinh tế biến động, ngân hàng ngừng cho vay, cổ đông rút vốn…

Cụ thể, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nhà Bè, cho biết các dự án ở xã Phước Kiển đang gặp khó khăn vì người dân không đồng ý giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra. Nguyên nhân cũng có lỗi từ chủ đầu tư vì lý do này, lý do nọ đã chậm đền bù. Theo đó, cứ chậm vài tháng là giá đất tăng và như thế người dân đòi giá cao hơn rồi chủ đầu tư không chịu. "Hiện nay, 50% người dân không đồng tình và cho rằng đây là đất gần Phú Mỹ Hưng" - ông Nguyễn thông tin.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết một phần lỗi do doanh nghiệp ôm đất rồi chờ thời với mộng giá lên cao. Nhưng kéo theo đó không đủ nguồn lực để giải phóng mặt bằng khiến chậm triển khai.

Còn một chuyên viên thuộc Ban Quản lý khu Nam Sài Gòn lại cho rằng nguyên nhân chậm triển khai các dự án ở huyện Bình Chánh ngoài giá cả đền bù còn do việc điều chỉnh dự án gây ra. Cụ thể, những năm gần đây, các dự án ở xã Bình Hưng, An Phú Tây đã bị điều chỉnh thu hẹp lại nhằm bảo đảm quyền lợi người dân. Nhưng thực tế có 2 lỗi dẫn đến việc này là do doanh nghiệp không đủ năng lực để thực hiện ngay. Thứ hai, UBND cấp xã quản lý đô thị kém để dân lấn chiếm ổn định sinh sống khó khăn trong việc giải tỏa.

Ưu tiên xử lý những dự án cấp thiết nhất

Trong khi hàng loạt dự án chậm triển khai ở Nhà Bè, Bình Chánh và nhiều nơi khác gây bức xúc cho dân vì quyền lợi bị treo thì trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, khẳng định thường xuyên rà soát các quy hoạch, dự án. Qua ghi nhận có trên 1.200 dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư, giao đất, thuê đất. Thế nhưng, đến một nửa dự án bị chậm hoặc không có động thái triển khai. "Sắp tới, chúng tôi sẽ thu hồi những dự án treo hoặc điều chỉnh quy mô dự án đối với những dự án đã triển khai nhưng vướng mặt bằng" - ông Nhã khẳng định.

Ở một diễn biến khác, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo các địa phương phải xử lý ngay các dự án chậm triển khai. Ông Phong thông tin chỉ tính riêng huyện Nhà Bè có 85 dự án chậm tiến độ kéo dài, trong đó nhiều dự án vì nhiều lý do không thể triển khai, chưa kể có dự án sang hết người này qua người khác.

Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị liên quan rà soát ngay tất cả dự án chậm tiến độ. Những dự án nào kéo dài, không thể triển khai sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp vì càng kéo dài người dân càng khổ. "Dự án đã duyệt nhưng không thực hiện sẽ khiến hạ tầng ở đây không thể hoàn thành, cỏ rác mọc lên. Hiện không chỉ có Nhà Bè mà còn rất nhiều dự án ở địa phương khác xảy ra tình trạng này" - ông Phong nói và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rà soát lại, ưu tiên xử lý những dự án cấp thiết nhất, không thể để tình trạng nhà đầu tư đăng ký rồi để đó, thậm chí phân lô, bán nền.

Thu hồi để lấy đất đổi hạ tầng

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết trong năm 2016-2017 đã thu hồi 89 khu đất của các dự án chậm triển khai và tiếp nhận 38 khu đất thành công.

Đơn vị đang phối hợp các quận - huyện để rà soát, thu hồi theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM. Các dự án sẽ đưa vào quỹ đất chung của TP và từ đó có nguồn đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, Vành đai 2, nút giao thông Gò Dưa… theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Thêm những tiếng thở than

Tương tự các hộ dân bị treo quyền lợi ở Nhà Bè và Bình Chánh, hiện cư dân có nhà thuộc khu quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu Công viên nghĩa trang tại phường Long Thạnh Mỹ (quận 9, TP HCM) cũng đang sống trong cảnh "đi không được, ở chẳng xong" vì dự án cứ ì ra đấy. Hàng trăm hộ dân ở khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh, quận 9 cũng rơi vào cảnh tương tự vì dính dự án quy hoạch cây xanh. Nhà ngày càng xuống cấp nhưng không được sửa chữa nên đã có những hộ để giữ an toàn tính mạng đã phải thuê nhà chỗ khác để sinh sống, chờ được đền bù, giải tỏa.

Theo ghi nhận, trên địa bàn quận 9 đang có không ít khu vực nằm trong quy hoạch, hầu hết đã có rất đông hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay. Đặc biệt, nhiều khu vực đã được quy hoạch từ hàng chục năm nay nhưng chưa triển khai dự án.

thu phu quy hoach treo thu phu quy hoach treo Cuộc sống cơ cực của người dân bị giải toả ở bán đảo Thủ Thiêm

Nhà cửa xuống cấp, nước ngập bất kể trời nắng hay mưa, điện sinh hoạt chập chờn, rồi bị các đối tượng nghiện đe doạ, ...

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.