Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kì tháng 9 diễn ra chiều nay, vấn đề ô nhiễm không khí được nhiều phóng viên, nhà báo quan tâm đặt câu hỏi với cơ quan quản lí. Trong đó, một nhà báo hỏi: "Hiện nay trên mạng xã hội có nhiều chia sẻ về không khí ô nhiễm, cho rằng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Xin hỏi Bộ TN&MT, TP Hà Nội và Chính phủ có quan điểm như thế nào và cách xử lí tình trạng này như thế nào?"
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, với sự phát triển cuộc cách mạng 4.0, các trang mạng, ứng dụng phục vụ thông tin cho người dân hết sức phát triển. Trong đó có một số trang mạng về chất lượng không khí trên toàn cầu như Air Visual, Palm Air…
Theo ông Lê Công Thành, đây là các trang mạng nước ngoài. Các trang này thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc không khí khác nhau, trong đó có các trạm được lắp đặt bởi Bộ TN&MT, của Hà Nội, TP HCM, một số Đại sứ quán, một số doanh nghiệp...
Ô nhiễm không khí khiến nhiều khu vực Hà Nội mờ mờ như bao phủ sương mù giữa ban ngày. (Ảnh: Thuỷ Long)
"Chúng ta thấy có khái niệm PM 2.5. Đây là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ. Trước đây, để đo được nồng độ bụi này là rất khó khăn. Nhưng trong những năm gần đây thì đã có những công nghệ hiện đại, cho phép đo mật độ loại bụi này bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Có những phương pháp nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng, lắp đặt các thiết bị chuẩn, được kiểm định, vận hành theo đúng các qui trình về môi trường. Số liệu từ các thiết bị này sẽ đảm bảo hơn.
Bên cạnh đó, trên thị trường có một số thiết bị đo rất nhỏ gọn, cho ra những số liệu tức thời. Tuy nhiên, về độ chính xác thì không thể bằng những thiết bị đã được chuẩn hoá. Chính vì vậy, thông tin trên các trang mạng về chất lượng không khí thì cũng mang tính chất tham khảo.
Nếu chúng ta muốn biết những số liệu chính thức thì nên tham khảo các trang mạng Moitruongthudo.vn, hay trang mạng của Tổng cục Môi trường," ông Thành nói.
Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay, trong thời gian tới, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đều có kế hoạch lắp đặt thêm nhiều trạm đo về chất lượng không khí để cảnh báo kịp thời hơn đến người dân vào những mùa chất lượng không khí sụt giảm.
"Tôi nhấn mạnh rằng, chỉ số chất lượng không khí ở đây cũng là có lúc, có nơi. Nếu thiết bị đo đặt ở nơi có nguồn phát thải bụi mịn cao thì chỉ số nồng độ bụi mịn cao, nhưng không đại diện cho chất lượng không khí cả khu vực rộng lớn xung quanh," ông Thành nói.
Cũng theo ông Lê Công Thành, về dài hạn, Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt kế hoạch quốc gia về quản lí chất lượng không khí. Đây là kế hoạch toàn diện, trong đó có việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng không khí cho đến những phương pháp để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, giảm bụi mịn trong không khí.
Thời gian tới, Bộ phối hợp với địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn kế hoạch này để dần dần cải thiện chất lượng không khí.
Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ thêm vấn đề liên quan đến các trang mạng quốc tế về chỉ số chất lượng không khí. Theo ông, các trang này có đưa ra bức tranh tổng thể về ô nhiễm không khí trong khu vực. "Chúng ta thấy, ở đây cũng có vấn đề về ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Nhưng để hiểu được một cách khoa học thì chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng này," ông Thành nói.
Theo ứng dụng Air Visual thì khoảng một tuần qua chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội luôn ở mức cao. Thậm chí, có thời điểm, có nơi chỉ số chất lượng không khí vượt ngưỡng 300. Đây là ngưỡng nguy hại. Ở mức này, khuyến cáo y tế là mọi người dân nên ở trong nhà để tránh bị ảnh hưởng. Cũng theo ứng dụng này thì thời gian qua, rất nhiều thời điểm, Hà Nội đứng số 1 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Kinh doanh 08:57 | 22/10/2021
Đô thị 07:00 | 18/06/2020
Đô thị 06:56 | 17/06/2020
Đô thị 07:00 | 16/06/2020
Đô thị 07:07 | 15/06/2020
Đô thị 07:40 | 13/06/2020
Đô thị 07:00 | 12/06/2020
Đô thị 07:00 | 09/06/2020