Mục tiêu xây dựng hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Theo quyết định phê duyệt, số lượng tàu bay của Vietravel Airlines khai thác năm đầu tiên là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay. Chủng loại Airbus, Boeing hoặc tương đương. Tổng vốn đầu tư của dự án 700 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư.
Theo đăng kí, Vietravel Airlines định hướng là hãng hàng không bay thuê chuyến (charter) và thường lệ phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng. Mô hình này cũng đang được khuyến khích, ủng hộ ở nhiều nước khác.
Dự kiến Vietravel Airlines sẽ đưa vào khai thác từ quý II/2020, với nhóm khách mục tiêu 1 triệu lượt khách mà doanh nghiệp lữ hành này đang phục vụ hằng năm. Đây là nguồn khách lớn và ổn định, đảm bảo cho các chuyến bay của hãng.
Ngoài các hãng đang hoạt động như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways, VASCO, còn có những đơn vị đang chờ giấy phép để cất cánh của Công ty CP hàng không Thiên Minh (Kite Air) và Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Vietstar Air).
Trước đó, ngày 14/1, Vingroup công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, dừng dự án Vinpearl Air. Tuy nhiên, vẫn duy trì hoạt động của trường đào tạo nhân lực kĩ thuật hàng không.
Sự ra đời của các hãng bay mới sẽ khiến du khách có thêm nhiều sự lựa chọn và luôn được thị trường đón nhận vì có thêm cạnh tranh, thúc đẩy thị trường hàng không Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành hàng không đang lao đao vì dịch Covid-19 thì các hãng bay đang đối mặt với thách thức rất lớn, kể cả các hãng đã hoạt động và đang chờ được bay.