Theo đó, văn bản được Sở Y tế TPHCM gửi các cơ sở y tế trên địa bàn TP, phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện về việc cảnh báo xuất hiện chủng Ev 71 nguy hiểm, yêu cầu tuân thủ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng” nhằm tăng cường hiệu quả công tác chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng cho người bệnh.
Yêu cầu các cơ sở y tế tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có phương án xử trí phù hợp, kịp thời. Bên cạnh đó, tổ chức cách ly, theo dõi sát người bệnh để phát hiện kịp thời các dấu hiệu nặng, chuyển độ và các biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh; đảm bảo phương án xử trí kịp thời, dự trù và chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư trang thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu điều trị; tổ chức huấn luyện cho bác sĩ trong toàn bệnh viện về phát hiện, chỉ đạo phân độ bệnh tay chân miệng và có kế hoạch điều trị phù hợp theo từng phân độ.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa nên để phòng bệnh, cộng đồng cần thực hiện 4 sạch: ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch và bàn tay sạch.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và có biểu hiện khá đặc trưng là: sốt, phát ban sần sùi hoặc mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông và tổn thương loét ở miệng. Tay chân miệng thường xảy ra với những dịch nhỏ ở các trường mẫu giáo hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em, vì siêu vi này rất dễ lây nhiễm. Virus tay chân miệng thường lây truyền qua đường phân hoặc qua dịch tiết mũi họng như nước bọt, đờm, hoặc nước mũi của người bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, còn đường lan truyền gián tiếp từ các vật liệu bị ô nhiễm do đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Ở một số trường hợp trẻ mắc bệnh nặng có thể gây các biến chứng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tim mạch, bao gồm viêm màng não vô trùng, mất điều hòa tiểu não, bại liệt, viêm não cấp, suy tim và phù phổi, với tỷ lệ tử vong cao.
Trong khi đó, với bệnh sởi, dù đã có vaccine phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine này vẫn đang khá thấp. Thực tế, điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM tại tỉnh Đồng Nai cho thấy, tại các điểm nóng nhiều ca mắc chỉ có 73% trẻ được tiêm mũi 1, chỉ 60% được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi ở thời điểm 9 và 18 tháng tuổi. Tại TPHCM, mới chỉ có 62% trẻ được tiêm mũi 1 và 30% trẻ được tiêm mũi 2.
Để tránh lây nhiễm bệnh từ cộng đồng, tại TPHCM, Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, trong đó kiểm soát bệnh tay chân miệng được đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt là các trường mầm non, nhóm trẻ cần phải luôn ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Có 80% ca mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.
XEM THÊM
Vì sao bệnh tay chân miệng năm nay trở nên nguy hiểm?
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tăng và nhiều ca nặng do có sự thay đổi gien gây bệnh từ B5 sang C4 của chủng ... |
Cha mẹ đau xót nhìn trẻ nằm la liệt, chân tay bị cột chặt vì tay chân miệng
Trẻ nhập viện vì tay chân miệng tăng gấp 5 lần khiến các y bác sĩ phải gồng mình cấp cứu. 2 bệnh nhi phải ... |
Thành phố Hồ Chí Minh: Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến
Chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ ... |
Dịch tay chân miệng tăng đột biến, một trẻ tử vong
Tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM, dịch tay chân miệng (TCM) đã khiến một trẻ đã tử vong, bác sĩ đang gồng mình điều trị ... |