Thương vụ Tấm Cám và CGV - Chuyện không có gì để kể!

Việc CGV không chiếu "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng và tranh cãi. Nhưng đằng sau sự kiện này, còn bao nhiêu điều chưa kể?

Có thể nói, dù chưa chính thức ra rạp nhưng "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" đã kịp tạo nên một cơn bão lớn. Từ Chủ nhật tuần trước, cộng đồng mạng bắt đầu râm ran thông tin rất có thể Tấm Cám sẽ không được chiếu tại cụm rạp của CGV. Ngay lập tức, dù chưa có xác nhận từ hai "nhân vật chính" là VAA - BHD (đơn vị sản xuất và phát hành Tấm Cám) và đơn vị CGV (cụm rạp lớn nhất tại Việt Nam) nhưng sự ồn ào xoay quanh vấn đề này ngày càng leo thang. Những thông tin kêu gọi từ khắp nơi bắt đầu được chia sẻ. Người thì kêu gào cho sự bất công của ông lớn đến từ Hàn Quốc đối với phim Việt, kẻ thì than khóc cho điện ảnh Việt Nam đang bị chèn ép, cũng có người kêu gọi tẩy chay luôn cả CGV vì họ không chiếu "bộ phim quốc dân" Tấm Cám.

Sau 4 ngày ồn ào với đầy những nghi ngại lẫn hy vọng, đại diện VAA và BHD đã tuyên bố rằng vì CGV đưa ra những điều khoản không xứng đáng với những nỗ lực của đoàn phim, BHD và VAA mặc dù đã chấp nhận tỷ lệ chia lợi nhuận rất thấp nhưng vẫn không được CGV hỗ trợ. Ngay sau đó, phía CGV cũng đã có thông cáo đáp lại rằng chính BHD đã đơn phương từ chối cung cấp phim Tấm Cám cho CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh. Những tưởng khi thông cáo chính thức được đưa ra, mọi chuyện sẽ thực sự ngã ngũ, nhưng thực tế "cuộc chiến" lúc này mới bùng lên vô cùng mãnh liệt và dự kiến sẽ còn dai dẳng với những bên tham chiến mang tên "cộng đồng mạng".

thuong vu tam cam va cgv chuyen khong co gi de ke
Nhiều người đang lên tiếng ủng hộ cho "Tấm Cám".

Có thể thấy rằng, vấn đề lớn nhất giữa CGV và BHD (hay VAA) là vấn đề doanh thu. Thuận mua vừa bán là câu châm ngôn đúng với tất cả những ngành nghề mang tính kinh doanh. Hãy tưởng tượng bạn là một tác giả, quyển sách của bạn được yêu thích và bạn phải giới thiệu nó đến với thật nhiều người. Nhưng mức chiết khấu bạn phải dành cho các nhà sách cao hơn rất nhiều so với các sạp báo nhỏ lẻ. Bởi vì nhà sách là một kênh phân phối lớn, sự tiện nghi lẫn mức độ phổ biến đều hơn hẳn những sạp báo bên đường. Nếu bạn cảm thấy nhà sách đang chèn ép bạn thì bạn có quyền không bán cho họ. Đây là sự thật mà tất cả những người kinh doanh đều biết và hiểu.

Tấm Cám chính là quyển sách hay mà mọi người đang mong chờ được xem đó. Còn CGV chính là hệ thống nhà sách đang bành trướng với số lượng rạp chiếu ngày một nhiều và chiếm gần 50% thị trường. Nói một cách hơi mất lòng, nhưng những cụm rạp còn lại chính là các sạp báo kia.

Rõ ràng, cuộc cạnh tranh này dù ở lĩnh vực văn hóa nhưng thực chất vẫn là một câu chuyện kinh doanh. Bạn chẳng thế nào buộc tội người khác bởi vì họ quá giàu. Nhưng thực tế CGV đã từng bị 8 doanh nghiệp đồng loạt khởi kiện vào tháng 5 vì họ cho rằng CGV đang lợi dụng vị thế để chèn ép doanh thu.

Lúc đó, đại diện CGV có trả lời rằng vì mật độ phòng chiếu lẫn giá vé tại các rạp CGV đều cao hơn rất nhiều so với những cụm rạp khác. Do đó, doanh thu có được của các phim chiếu tại CGV sẽ cao hơn những nơi khác. Kết quả là CGV thắng kiện. Những tưởng mọi chuyện đã êm xuôi nhưng bây giờ lại dấy lên một lần nữa với quy mô lớn hơn và vĩ đại hơn. Lần này, Tấm Cám đã trở thành một chiến sĩ tiên phong với tấm khiên vững chắc mang tên "phim Việt" trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lăng cơ sở hạ tầng đến từ Hàn Quốc.

Những thông tin chia sẻ kêu gọi mọi người hãy ủng hộ một bộ phim thuần Việt (câu chuyện Việt, ê-kíp Việt) đang được nhân lên trên diện rộng. Có những người tuyên bố sẵn sàng tẩy chay CGV vì đã không chiếu bộ phim này, vì CGV đã vi phạm lời hứa sẽ nâng đỡ điện ảnh Việt khi mới vào thị trường Việt Nam. Rất nhiều người đã "đứng lên" vì lòng tự hào dân tộc, kêu gọi một sự công bằng cho một tác phẩm mang đầy bản sắc Việt.

Vào tháng trước, cộng đồng mạng được một phen dậy sóng vì phong trào bài trừ phim ảnh, thần tượng Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ trong sự việc "đường lưỡi bò". Còn bây giờ, Tấm Cám đang là một niềm tự hào dân tộc cho những người yêu điện ảnh ở Việt Nam. Nhưng, liệu có phải cộng đồng mạng đang thật sự quan tâm đến bản sắc dân tộc hay thực chất họ đang bị cuốn vào một cuộc đối đầu được tạo nên một cách tinh vi mang tên "viral"? Trước những ồn ào đang diễn ra, khi cả nước mắt lẫn hằn học đều đã rơi xuống vì bộ phim, Tấm Cám sẽ càng được mọi người chú ý. Dù ai trong cuộc đấu này trở thành vai ác thì cũng không phải là "Tấm Cám", đó là điều chắc chắn.

Có thể hiểu được tại sao Ngô Thanh Vân phải lao tâm khổ tứ vì bộ phim này nhiều như vậy. Bởi vì quá trình thai ngén cho đến lúc thành hình của Tấm Cám quá dài. Thời buổi phim Việt ăn xổi ở thì như hiện nay, làm càng nhanh ăn lời càng nhanh thì một phim phải mất đến 9 tháng hậu kì như Tấm Cám là một sự đầu tư gây "sốt ruột". Tấm Cám có một kế hoạch truyền thông dài hạn và bài bản. Mỗi một thông tin ra lò đều trở thành cơn sốt. Vì thế cũng không khó hiểu khi Ngô Thanh Vân hay VAA, BHD muốn dùng Tấm Cám như một con bài tẩy để xoay chuyển đại cục với CGV. Nhưng, kết quả thế nào hẳn mọi người đã rõ.

thuong vu tam cam va cgv chuyen khong co gi de ke
Tấm Cám là "bộ phim quốc dân" mọi người nên nâng niu?

Thực sự, đây là một cuộc chiến vô nghĩa. Thứ nhất, vì kết quả đã được ban bố rõ ràng: Tấm Cám và CGV không thuộc về nhau. Thứ hai, những người đang đứng ra đòi lại công bằng cho Tấm Cám (hay cho phim Việt) thực chất đang lao đầu vào một cuộc cạnh tranh không hồi kết giữa các nhà phát hành.

Nếu CGV đã từng thắng kiện tức là chẳng có cơ sở nào để buộc tội họ đang chèn ép trong kinh doanh. Việc dùng Tấm Cám để nói thay cho số phận của phim Việt là một điều không thỏa đáng. Đâu phải Tấm Cám là phim Việt duy nhất được đầu tư hoành tráng. Đâu phải Tấm Cám là phim Việt duy nhất được làm ra bởi 100% người Việt. Tấm Cám càng không phải đại diện cốt lõi cho phim Việt.

Vì thế, dù Tấm Cám có không được chiếu ở CGV cũng không có nghĩa phim Việt đang bị CGV cho vào "lãnh cung". Trên thực tế, từ đầu năm 2016 đến nay, CGV đã phát hành 8 phim Việt, nhiều nhất trong các nhà phát hành. Do đó việc cáo buộc CGV đang bắt chẹt phim Việt trên đất Việt là một việc không có cơ sở.

Cuộc chiến này thực chất đã diễn ra từ rất lâu rồi. Nhưng nó không phải cuộc chiến dành cho các khán giả. Không thể phủ nhận sự độc quyền trong kinh doanh của ông lớn đến từ Hàn Quốc này. Cũng khó lòng làm ngơ trước sự tức tưởi của BHD khi cả 2 phim Việt phát hành trong 2016 đều lao đao dưới tay CGV.

Nhưng chúng ta, những người chỉ biết bỏ tiền vé, có thực sự tham gia vào cuộc chiến của họ hay không? Thiết nghĩ, muốn cục diện thay đổi, nhà nước cần ban bố những luật lệ mới và ưu tiên cho phim Việt để ràng buộc những nhà phát hành. Bởi vì cuộc chiến kinh doanh mãi mãi sẽ không có đất diễn cho người tiêu dùng. Và phim ảnh cần sự quan tâm chứ không cần sự ồn ào. Tấm Cám là một bộ phim được làm ra cho mọi khán giả chứ không phải "mảnh đất màu mỡ" cho những thị phi.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.