Tiến sĩ là học vị cao nhất tại hầu hết trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên, đây không phải mục tiêu sau cùng của sinh viên. Thông thường, bằng tiến sĩ chỉ là bước khởi đầu trên con đường nghiên cứu khoa học. Những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy phải học thêm chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ, kéo dài từ 1 đến 3 năm.
Ở Mỹ, mức lương dành cho lao động có bằng tiến sĩ khá cao, nhưng nếu muốn theo đuổi mục tiêu tiền bạc, học tiến sĩ không phải là lựa chọn tốt do việc học khắt khe và tốn thời gian.
Để có thể học lên tiến sĩ, học viên phải có bằng cử nhân ở ngành liên quan (hoặc bằng thạc sĩ) với thành tích tốt, thư giới thiệu, các khóa học liên quan, bài luận bày tỏ niềm đam mê với lĩnh vực mình sẽ học cùng kết quả thi đầu vào đủ tiêu chuẩn do trường quy định (GRE, GMAT…).
Giáo sư hướng dẫn cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình học tiến sĩ tại Mỹ, đặc biệt đối với những ngành học viên nhận lương trực tiếp từ giáo sư.
Chỉ khoảng 70% học viên tiến sĩ ở Mỹ có thể nhận bằng. Ảnh minh họa: Continuinged. |
Thông thường, thời gian đào tạo tiến sĩ ở Mỹ kéo dài từ 4-8 năm. Học viên có bằng thạc sĩ có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Tuy nhiên, không ít người kéo dài thời gian học vượt quá 10 năm.
Để nhận bằng, người học phải trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, sinh viên mất 1-3 năm hoàn thành các môn bắt buộc của ngành. Ở giai đoạn này, họ phải trải qua kỳ thi sơ bộ, bao gồm hàng loạt bài thi tích lũy nhằm đánh giá độ rộng kiến thức cùng bài viết và bài phỏng vấn, chú trọng độ sâu kiến thức.
Tiếp đến, họ bắt tay vào hoàn thành luận án, có thể kéo dài từ 2 đến 8 năm. Sau cùng, học viên tiến hành bảo vệ luận án trước hội đồng. Tình trạng nương tay để người học nhận bằng không diễn ra tại Mỹ. Nếu luận án chưa đạt yêu cầu, học viên buộc phải sửa đi sửa lại cho đến khi hội đồng chấp thuận.
Thống kê của Chronicle cho thấy khoảng 57% nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình tiến sĩ trong vòng 10 năm, 30% bỏ học hoặc bị đuổi, 13% kéo dài thời gian hơn 10 năm.
Chi phí học tập tiến sĩ tại Mỹ dao động từ 28.000 đến 40.000 USD/năm. Tuy nhiên, hầu hết học viên ngành Khoa học, Kỹ thuật và khoảng một nửa học viên các ngành Nghệ thuật được tài trợ học phí.
Số còn lại, họ tìm cách trang trải chi phí học tập bằng việc làm công cho trường họ đang học. Công việc chủ yếu là trợ giảng, tham gia vào các dự án nghiên cứu. Việc này không chỉ giúp người học kiếm tiền mà còn giúp họ có thêm kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ với những tên tuổi trong ngành.
Theo thống kê của Inside Highered, trong năm 2014, các đại học ở Mỹ cấp bằng tiến sĩ cho 54.070 người. Đây cũng là số lượng lớn nhất trong vòng 58 năm qua.
Trong đó, tiến sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật chiếm tới 75%. Họ thường được các công ty chào đón và nhận mức lương hậu hĩnh.
Nhìn chung, tiến sĩ tại Mỹ có thể chọn nghiên cứu sau tiến sĩ, đi dạy, tham gia vào ngành công nghiệp hoặc làm chuyên môn. Thu nhập của tiến sĩ phụ thuộc chuyên ngành và lĩnh vực họ làm việc.
Mức lương tiến sĩ trung bình của nhóm ngành thấp nhất và cao nhất ở Mỹ. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Trong đó, lương của nghiên cứu sinh sau tiến sĩ thấp nhất, dao động từ 28.000 đến 48.000 USD/năm. Lương của họ tăng dần theo số năm kinh nghiệm.
Mức lương cao nhất thuộc về các tiến sĩ làm việc cho công ty. Họ có thể thu nhập 200.000 USD/năm, thậm chí 500.000 USD/năm nếu làm việc cho các ngành như dược phẩm, y sinh.
Theo số liệu cập nhật vào ngày 20/11 của Indeed, lương tiến sĩ dao động trong khoảng rộng, từ 56.000 đến 125.000 USD đối với nhà nghiên cứu, từ 50.000 đến 103.000 đối với học giả giảng dạy đại học.
Xét về mức lương trung bình, tiến sĩ làm nghiên cứu viên cao cấp có thu nhập cao nhất: 135.488 USD/năm. Ngành Khoa học dữ liệu cũng mang lại mức thu nhập xấp xỉ, 130.501 USD/năm.
Trong khi đó, người tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ thu nhập thấp nhất, 46.723 USD. Tiến sĩ làm trợ lý nghiên cứu cũng có mức lương trung bình không quá cao: 46.879 USD/năm.
Tỷ lệ tiến sĩ ở Mỹ có việc làm ở mức 61,4%. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Ngoài ra, không phải tất cả tiến sĩ đều kiếm được việc làm. Năm 2014, chỉ 61,4% tiến sĩ ở Mỹ có việc làm, trong đó, tỷ lệ cao nhất rơi vào ngành Khoa học Xã hội (68,8%). Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về ngành Nhân văn với 45,7%.
Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tiến sĩ thất nghiệp tại Mỹ đang trong xu hướng tăng dần. Cụ thể, năm 2004, khoảng 30% tiến sĩ không có việc làm. Đến năm 2009, tỷ lệ này tăng lên 30,5% và là 38,6% vào năm 2014.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, người học cần tìm hiểu chương trình đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài liên kết với Việt Nam có thuộc danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt và công khai.
Ông Đinh Công Bằng, chuyên gia giáo dục tại Mỹ, cho rằng đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách chẳng khác nào biếu không cho nước khác cả tiền và người.