Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 giảm 7,9% so với tháng trước.
Ghi nhận thực tế cho thấy tình hình mua bán của các tiểu thương rơi vào cảnh ế ẩm. Tại một số chợ lẻ không khó nhận thấy các sạp treo biển cho thuê, sang sạp, có những sạp được trưng dụng làm kho hàng. Một số trung tâm thương mại còn nhiều mặt bằng trống.
Tại chợ Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình vào trưa cuối tuần ngày 7/3 nhưng hầu như trong lồng chợ không một bóng người, tiểu thương thảnh thơi tranh thủ chợp mắt, giải trí trên điện thoại…
Ghé một sạp kinh doanh giày dép hỏi về tình hình một số sạp đóng cửa treo bảng cho thuê, không biết đóng cửa mới đây hay lâu rồi. Bà H chủ kinh doanh sạp giày 30 năm ở đây cho biết, có những sạp đóng cửa người ta đã nghỉ hồi trước Tết, một phần do ế ẩm quá họ nghỉ.
“Chẳng hạn như tôi, ba ngày nay tôi chưa bán mở hàng được đôi giày nào, đến ngày thứ tư (7/3) mới bán được một đôi. Ai cũng vậy, buôn bán càng ngày càng ế. Năm nay từ sau Tết đến giờ bị dịch không bán được, có những người thuê sạp đều trả lại hết”, bà H kể.
Bà H cho biết dù bán ế ẩm nhưng không dám đóng cửa, vì với mặt hàng giày giép nếu để một thời gian hàng hóa bị hở keo. Một đôi dép hơn 100.000 đồng, lời có 5.000 đồng, nếu cất sau đó dép bị hở keo thì bỏ luôn, nên ráng mở bán được đôi nào hay đôi đó.
"Đóng cửa vừa không bán được mà lớn tuổi rồi cũng không biết đem giày dép đi đâu. Giờ lỡ leo lên lưng ngựa rồi nên phải theo", bà H nói
Tương tự, một tiểu thương kinh doanh quần áo chợ Phạm Văn Hai (Quận Tân Bình) cho biết, một số sạp đóng cửa cho thuê, sang lại từ trước Tết. Tình trạng buôn bán ế ẩm diễn ra đã lâu. Năm nay bị ảnh hưởng dịch không có khách mua sắm, một số sạp đóng cửa, giờ cũng khó sang hay cho thuê lại được.
“Khách phải có nhu cầu họ mới đi mua sắm. Giờ phải lo 'ăn' trước, họ mua sắm thực phẩm tiêu dùng. Tình hình dịch vậy giờ người dân không đi du lịch thì mua quần áo làm gì. Lượng khách đi chợ mua sắm giảm giờ còn 2%. Nói chung chưa có dịch tiểu thương buôn bán đã khó rồi, chứ khó không phải hoàn toàn do dịch”, tiểu thương này cho hay.
Theo tiểu thương này, do buôn bán ở chợ đã mấy chục năm nay, nếu bán trà đá, bán nước sâm ế quá thì dẹp trả mặt bằng, chứ cái này còn hơn cả mặt bằng. Nhìn vậy chứ tổng tiền chôn vốn vào sạp nhiều, muốn rút ra cũng không dễ.
Ngay cả nhân viên bãi xe Chợ Phạm Văn Hai kể từ Tết đến nay bãi rất vắng. Ví dụ bình thường giữ 1.000 lượt xe này chỉ còn 300 lượt/ngày. Riêng lượng xe của tiểu thương cũng giảm, bình thường giữ 100 chiếc nay còn 60 chiếc.
Liên lạc với chị T, chủ một sạp kinh doanh quần áo đang trưng bảng cho thuê tại chợ Phạm Văn Hai, cho biết người ta đã trả mặt bằng lại hồi trước Tết. Dù không tiết lộ lí do khách trả mặt bằng nhưng theo chị T, tình hình chung là khách đi chợ rất vắng, buôn bán chậm.
Bà V, chủ sạp chợ Hoàng Hoa Thám cũng cho biết để bảng cho thuê từ cuối năm ngoái, có vài người liên lạc, nhưng chưa thỏa thuận được giá, cũng như lo ngại vắng khách nên hai bên vẫn chưa thống nhất.