Tìm hiểu triết lí thiết kế tối giản Nhật Bản: Ma, Ikebana và Wabi-sabi

Ba nguyên tắc thẩm mĩ quan trọng nhất được thể hiện trong các thiết kế tối giản ở Nhật là: Ma – sự tôn trọng khoảng cách giữa các vật thể, Ikebana – cách trang trí hoa trong không gian và Wabi-sabi – vẻ đẹp của sự không hoàn hảo, vô thường và dở dang.

Triết lí Ma

Theo trang Unique Japan, triết lí Ma của Nhật Bản có mối liên kết đặc biệt tới mọi khía cạnh của đời sống. Ma là khoảng lặng của thời gian, khoảng trống trong không gian. Ma là khoảng không gian và thời gian cần có để sự sống sinh sôi. Nếu chúng ta không có thời gian, không gian thì hữu hạn, chắc chắn chúng ta không thể phát triển được. 

Vì thế cách chúng ta sử dụng thời gain cũng như không gian mà chúng ta đang sống có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời mỗi người. Chữ Ma trong bảng chữ Kanji gồm bộ môn (門) và bộ nhật (日) với ý nghĩa ánh sáng mặt trời chiếu qua cánh cửa. Đó là cánh cửa đang rộng mở đón ánh sáng, tạo điều kiện cho những vật ở bên trong phát triển, mang lại sự sáng tạo, giải phóng sự tự do. Như vậy Ma là khoảng không ở giữa hai ranh giới, giữa sự bắt đầu và sự kết thúc, giữa không gian và thời gian mà ở đó chúng ta được sống, được trải nghiệm và phát triển.

Ma là sự tổng hòa của năng lượng và xúc cảm. Ma là tiếng nói của sự lặng thinh thay vì ồn ã, là sự tối giản thay vì dư thừa. Vì thế, Ma có trong mọi mặt đời sống, và cần có trong mọi mặt đời sống.

japan-window-autumn

(Ảnh minh họa: Quartz)

Alan Fletcher, một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất nước Anh sau chiến tranh, đã nói về Ma trong cuốn sách "The Art of Looking Sideways" (tạm dịch là "Nghệ thuật nhìn về một phía") như thế này:

"Lấy không gian trống là chất. Cézanne vẽ và khắc họa không gian. Giacometti điêu khắc bằng cách loại bỏ những phần dư thừa khỏi không gian. Mallarmé viết những bài thơ mà ở đó những khoảng lặng cũng có giá trị tương đương với từ ngữ. Ralph Richardson khẳng định rằng điểm nhấn của diễn xuất nằm trong những quãng nghỉ… Isaac Stern mô tả âm nhạc là "một chút gì đó giữa những nốt nhạc", là "khoảng lặng tạo nên dáng hình ca khúc"… Nhật Bản gọi tên tất cả những điều đó bằng khái niệm Ma – một khoảng trống định hình cho toàn bộ. Ở phương Tây không có bất kì từ ngữ hay thuật ngữ nào để ám chỉ điều đó. Quả là một thiếu sót nghiêm trọng".

Ma không chỉ hiện hữu trong văn hóa Nhật, trong nghệ thuật, thi ca mà còn cả trong kiến trúc. Trong kiến trúc, Ma là chiều không gian len lỏi trong cấu trúc căn nhà. Cấu trúc các ngôi nhà ở Nhật được thiết kế có chủ ý nhằm "để dành" những khoảng trống trong không gian.

47456f4c5b39d0b5a4c4d613c0692cc9

(Ảnh minh họa: Okochi)

Hình ảnh phòng trà truyền thống trên đây là ví dụ điển hình cho triết lí Ma trong kiến trúc Nhật. Hoàn toàn không có hình bóng của đồ trang trí nào trong phòng. Các bức tường tạo nền tảng cho sinh hoạt của con người. Sự thiếu vắng đồ nội thất sẽ khiến con người trân trọng những trải nghiệm mà họ có được hơn, trân trọng sự hiện hữu của chính mình và những đồ vật khác hơn. Đây cũng là điều mà kiến trúc nhà Nhật Bản hướng tới: không vật dụng dư thừa, tường chỉ là tường để tập trung tối đa vào sinh hoạt của con người bên trong.

Năm 2014, Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh đã chủ trì một triển lãm nội thất qui mô lớn xoay quanh triết lí Ma. Triển lãm này qui tụ kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma và rất nhiều khối óc là đỉnh cao của sự sáng tạo ở khắp nơi trên thế giới. Họ cùng nhau tận dụng không gian và ánh sáng tự nhiên để tạo thành những không gian của sự thấu cảm cho người đến tham quan có thể cảm nhận rõ nhất về triết lí Ma.

Sensing-Spaces-London

(Ảnh minh họa: Quartz)

Ikebana

Artsy định nghĩa Ikebana là nghệ thuật sắp đặp cây cỏ, hoa lá. Trái ngược với thói quen trưng bày lọ hoa trong nhà của người phương Tây, Ikebana hướng tới thể hiện chân thực nhất bản chất của hoa và các loại thực vật khác nhằm mang lại tính biểu cảm, sinh động cho không gian.

Một mặt, Ikebana có nhiều điểm tương đồng với điêu khắc bởi tất cả các yếu tố màu sắc, đường nét, hình dạng, bố cục và chức năng đều được tính đến. Cách sắp đặt, kích thước và thành phần đa dạng nhằm phát huy tính sáng tạo của con người. Ikebana có thể là một bông hoa duy nhất nhưng cũng có thể là sự kết hợp giữa nhiều cành hoa, cành cây và các yếu tố tự nhiên khác.

flower-arrangement-photos-pics-download

8425530031_3e8e9399d7_b

(Ảnh minh họa: Flickr)

Trong văn hóa Nhật Bản, mỗi loài hoa, loài cây đều mang một ý nghĩa biểu tượng khác nhau và đều gắn với một mùa nhất định trong năm, vì thế triết lí Ikebana truyền thống đề cao tính biểu tượng và tính mùa vụ trong cách sắp đặt. Ikebana hiện đại ngoài việc chú trọng đến tính mùa vụ của thực vật còn quan tâm đến môi trường hình thành nên tác phẩm nữa. Những người theo triết lí Ikebana (hay còn gọi là Ikebanaists) đôi khi còn cắt các cành cây và hoa thành những hình thù hoặc sơn cho chúng những màu sắc khác xa so với ban đầu. Nguyên tắc của Ikebana là cho dù sự sắp đặt có lộn xộn và ngẫu hứng đến đâu thì sản phẩm cuối cùng cũng phải thật cân bằng và gọn gẽ.

Ngày nay, khái niệm Kado được sử dụng rộng rãi hơn so với Ikebana vì nó thể hiện được tinh thần rằng nghệ thuật không chỉ là sự tôn vinh vẻ đẹp mà còn là quá trình rèn luyện bản thân và học hỏi suốt đời. Sự vô thường xuất phát từ sự phụ thuộc vào tính mùa vụ của các loại thực vật khuyến khích các ikebanaist không ngừng khám phá và trải nghiệm cuộc sống.

IkebanaRing-lifestyle-03-17S_3600x@2x

(Ảnh minh họa: Areaware)

Wabi-sabi

Theo trang Bustle và The Uppers, Wabi-sabi là một triết lí thẩm mĩ cổ có nguồn gốc từ triết lí Zen của Phật giáo, được thể hiện rõ nét nhất qua nghi thức trà đạo – nghi thức của sự thanh khiết và giản đơn khi con người sử dụng những chiếc tách được làm thủ công, có hình dạng không hoàn hảo, tráng men không đều và thậm chí có cả vết nứt. Khi ấy người ta có thể say sưa nhìn ngắm vẻ đẹp trần trụi và đầy khiếm khuyết của vạn vật xung quanh.

 Theo đó, Wabi-sabi là một triết lí thẩm mĩ, một điểm nhìn tập trung vào việc phát hiện vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo của cuộc sống và sự bình tĩnh chấp nhận vòng quay sinh sôi và tàn úa ở đời. Wabi-sabi là "vẻ đẹp của những điều không hoàn hảo, vô thường và dở dang" (theo Leonard Koren) hay là "đại diện cho mọi vẻ đẹp thuần khiết đúc rút từ ba sự thật hiển nhiên của tự nhiên: không gì vĩnh hằng, bất biến; không gì trọn vẹn và không có gì hoàn hảo" (theo Richard Powell).

Mark-Alexander-Girard-Dove-Fabric-Wabi-Sabi

(Ảnh minh họa: TM Interiors)

Trong cuộc sống hàng ngày, ai trong chúng ta cũng hướng đến sự hoàn hảo. Chúng ta nỗ lực để có được những thứ tốt đẹp nhất, đáng ngưỡng mộ nhất và đặc biệt nhất. Chẳng ai chịu hài lòng với sự tầm thường trừ Wabi-sabi, một triết lí Nhật Bản tôn vinh và chấp nhận sự đơn sơ, sờn cũ của cuộc sống.

Richard Powell, tác giả của cuốn "Wabi Sabi Simple" (tạm dịch là "Đơn giản là Wabi Sabi") cho rằng nếu biết chấp nhận sự thật rằng cuộc sống là không hoàn hảo, là dở dang, là nhất thời để rồi thấu hiểu hiện thực sâu sắc hơn và trân trọng thực tại hơn thì con người sẽ sống tự do, khoáng đạt hơn rất nhiều".

Một căn nhà được thiết kế dựa trên tinh thần Wabi-sabi là một nơi chưa đựng linh hồn của chủ nhân thông qua những vật dụng và đồ trang trí có tuổi đời và gắn với một dấu mốc nào đó trong cuộc sống. Cho dù tay nắm ngăn kéo của bạn có bị mất đi nữa thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tình cảm bạn dành cho chiếc tủ đã theo mình suốt một chặng đường dài. Đồng thời khi một vật dụng cũ đi cũng có nghĩa nó đã được sử dụng và được chủ nhân yêu quí.

WABI-1

(Ảnh minh họa: Decor Design Show)

Màu sắc gần gũi với thiên nhiên sẽ là gam màu tuyệt vời cho những ngôi nhà tối giản mang tinh thần Wabi-sabi, ví dụ như xanh lá cây, ghi, các tông màu đất và màu rỉ sét. Những màu sắc này sẽ tạo sự yên bình và hài hòa cho không gian. Mọi vật dụng trong nhà đều nên hữu dụng và có tính thẩm mĩ hoặc một trong hai.

chọn
Đề xuất siết tín dụng với người mua nhiều nhà đất
Ngoài đánh thuế, Hội Môi giới đề xuất giảm hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có với người mua nhiều nhà đất nhằm hạn chế đầu cơ.