Tình hình kinh doanh của các công ty môi giới BĐS phân hóa, nợ vay đồng loạt tăng sau nửa đầu năm

Sau 6 tháng đầu kinh doanh, các doanh nghiệp trong nhóm môi giới BĐS có sự phân hóa về lợi nhuận. Ngoài ra, tổng nợ tài chính của các doanh nghiệp này tăng lên 6.228 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh có sự phân hóa sau 6 tháng đầu năm

Theo thông tin từ Bộ xây dựng, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm đã có sự tăng trưởng tích cực, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, hiệu quả. Tuy nhiên, đánh giá về thị trường 6 tháng đầu năm, Bộ nhận thấy nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc đều hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Những vấn đề trên phần nào cũng làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp môi giới bất động sản (BĐS), cụ thể là các doanh nghiệp môi giới niêm yết điển hình như Cenland, Đất Xanh Services, Khải Hoàn Land hay Danh Khôi. Sau 6 tháng đầu kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận có sự phân hóa tại các doanh nghiệp trên.

   Lợi nhuận các doanh nghiệp môi giới BĐS trong nửa đầu năm 2022. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC). 

Đơn cử, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) đạt lợi nhuận sau thuế đạt 108,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 69 tỷ đồng. 

Trong đó riêng quý II, công ty báo lãi sau thuế 106 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 46 tỷ đồng, nhờ ghi nhận thêm doanh thu từ dịch vụ tư vấn, quản lý BĐS và hợp tác đầu tư dự án khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định), đồng thời có lãi do đánh giá lại tài sản khi đầu tư vào công ty con.

Tương tự, CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (mã chứng khoán: KHG) doanh thu trong nửa đầu năm của doanh nghiệp này tăng 53%, đạt 463 tỷ đồng, nhờ tăng doanh thu từ dịch vụ môi giới BĐS và chuyển nhượng hợp đồng mua bán BĐS. Công ty báo lãi sau thuế 137 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 55,6 tỷ đồng. 

Ở chiều ngược lại các doanh nghiệp khác trong nhóm lại ghi nhận lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ, đơn cử như, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, mã chứng khoán: DXS) trong quý II, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn do tăng doanh thu từ bán căn hộ, nhà phố và đất nền (545,3 tỷ đồng), công ty báo lãi sau thuế 257,7 tỷ đồng, giảm 17%.

Doanh nghiệp lý giải, lợi nhuận sau thuế giảm là do chi phí hoạt động tăng cao, cùng với việc công ty mở rộng quy mô thành lập thêm một số công ty con và do ảnh hưởng của thị trường BĐS đến kế hoạch triển khai bán hàng của công ty. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đất Xanh Services ghi nhận doanh thu thuần 2.159 tỷ đồng, tăng 31 tỷ đồng so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 311 tỷ đồng, giảm 35%. 

Về phía CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã chứng khoán: CRE), theo công ty, do tình hình thị trường BĐS trong quý II có nhiều biến động không thuận lợi, dẫn tới nhu cầu đầu tư BĐS giảm mạnh, cùng với việc một số dự án đầu tư thứ cấp không kịp ra hàng trong quý II, dẫn đến doanh thu của Cenland giảm từ 1.642 tỷ đồng, xuống còn 624 tỷ đồng, kéo theo đó là lợi nhuận cũng giảm 30%, đạt 89 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần và lãi sau thuế Cenland lần lượt đạt 2.567 tỷ đồng và 231 tỷ đồng, giảm 30 % và 7,6%. 

Tình hình nợ vay tài chính của các doanh nghiệp môi giới sau nửa đầu năm. (Nguồn: Trương Nhi tổng hợp từ BCTC).

Nợ tài chính tăng, danh mục hàng tồn kho mở rộng

Sau 6 tháng đầu kinh doanh, nợ vay tài chính của 4 doanh nghiệp môi giới trên cũng đồng loạt tăng cao đạt tổng 6.228 tỷ đồng, trong khi đầu năm ở mức 3.986 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có mức nợ tài chính tăng cao nhất nhóm là Đất Xanh Services, khi tính đến cuối quý II, tổng nợ tài chính của doanh nghiệp này là 2.416 tỷ đồng, tăng 113,6 % so với đầu năm, phần lớn do tăng các khoản vay ngân hàng (2.131 tỷ đồng). 

Trong khi đó, danh mục hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý II của công ty cũng tăng 86,4% so với đầu năm, đạt 3.703 tỷ đồng, phần lớn tới từ tăng tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và phát triển dự án La Maison, Đất Quảng Riverside, Tuyên Sơn và các dự án khác

Tương tự Đất Xanh Services, Khải Hoàn Land ghi nhận khoản nợ tài chính tăng 61%, so với hồi đầu năm, đạt 1.060 tỷ đồng, chủ yếu do tăng nợ từ phát hành trái phiếu (813,2 tỷ đồng).

Danh mục hàng tồn kho của doanh nghiệp này đạt 475,8 tỷ đồng, tăng 20,5%, do tăng giá trị hàng hóa BĐS thuộc dự án khu thương mại, biệt thự tại Long An và dự án khu hỗn hợp tại Nghệ An.

Về phía Danh Khôi, nợ tài chính của công ty đạt 611,2 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm,  phần lớn là nợ từ phát hành trái phiếu (345,6 tỷ đồng).

Cũng tương tự hai doanh nghiệp trên, hàng tồn kho của Danh Khôi tăng 51%, đạt 76,8 tỷ đồng, phần lớn do tăng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại dự án Aston Nha Trang và ghi nhận thêm chi phí tại dự án BenHill.

Cuối cùng là Cenland với mức tăng 25%, đạt 2.141 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay từ BIDV (911,6 tỷ đồng) và nợ từ phát hành 2 lô trái phiếu cho Công ty chứng khoán VNDIRECT (950 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, mặc dù nợ vay tăng nhưng hàng tồn kho của Cenland giảm 17%, đạt 418,8 tỷ đồng, chủ yếu do giả hàng hóa BĐS và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. 

Cuối kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp tăng này 66,2% so với đầu năm, đạt 3.286 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.