Trong tập 3 chương trình “Quán thanh xuân” phát sóng vào tối 3/3 trên kênh VTV1, với chủ đề “Nhà chật”, các khách mời đã có dịp chia sẻ về những kỉ niệm trong căn nhà tập thể của mình khiến nhiều khán giả không khỏi xúc động khi nhớ về một thời đã qua.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết anh có những dấu ấn khó phai với những gác xép trong nhà tập thể. Theo anh, thời ấy, kể cả những khu tập thể có trần rất thấp như ở Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có gác xép, nhiều cặp vợ chồng khi đi ngủ là phải bò, không dám cãi nhau, có làm gì đó cũng phải nhẹ nhàng, cảnh giác vì bố mẹ nằm dưới.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến trong chương trình "Quán Thanh Xuân" với chủ đề "Nhà chật".
Tất cả gác xép lúc ấy đều làm bằng gỗ thông có chữ CCCP, nghĩa là Liên bang Cộng hòa Chủ nghĩa Xã hội Xô Viết và chỉ bào một mặt còn mặt kia thì để nguyên cho tiết kiệm tiền.
“Nhưng có một lần tôi đến nhà anh Lưu Quang Vũ ở số 96 phố Huế (ngày xưa là khách sạn Lục Quốc, sau này trở thành một khu tập thể của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và thực sự hôm đó tôi khóc. Trước đó tôi có đọc bài thơ “Nhà chật” của anh Vũ, trong đó có rất nhiều câu cảm động nói về cái nhà như một con thuyền, trên con thuyền nhỏ bé đó vừa phải chèo thuyền vừa phải nấu cơm và phải gạt bỏ tất cả mọi thứ. Do đó khi nhìn thấy căn nhà bé xíu và leo lên một gác xép, trời ơi nó nóng khủng khiếp tôi xúc động vô cùng.
Cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và cố nhà thơ Xuân Quỳnh từng sống trong căn nhà tập thể rộng 9 mét vuông.
Tôi không hiểu sao anh Lưu Quang Vũ sống trong một căn nhà có 9 mét vuông với gác xép rất nhỏ như thế mà sao anh viết kịch nó lại tuyệt vời đến thế, nó lại gây chấn động dư luận xã hội như vậy. Rõ ràng là nhà chật không quan trọng, quan trọng là người ta khai phóng được đầu óc. Đó cũng là lần đầu tiên tôi đến nhà một văn nghệ sĩ và nhìn thấy gác xép khiến mình khóc vì thấy thương”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến xúc động chia sẻ.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng lại tạo nên nhiều cảm xúc khó tả khi kể về những kỉ niệm trong căn nhà tập thể của cha mình, anh chia sẻ: “Nhà tập thể có rất nhiều thứ đặc biệt, có rất nhiều tỉnh cảm với tôi. Khu nhà có khoảng 3 tầng và trước cửa nhà nào cũng trồng cây, hầu như dưới cây mận lúc nào cũng có ba tôi, một là đang viết văn, hai là đang nhậu với bạn bè. Má tôi ở dưới bếp lúc nào cũng làm đồ ăn, gần như sau những năm 1975 thì tất cả những tác phẩm của ba tôi gần như đều viết dưới cây mận đó. Có mấy người bạn đến đều hỏi sao ba tôi lại không có phòng làm việc mà phải viết văn ở ngay cái bàn ăn cơm dưới cây mận nhưng thực ra ba tôi thích viết ở đó.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong đoạn clip phát trong "Quán thanh xuân" lên sóng tối ngày 3/3 trên VTV1.
Ở đó tôi đã từng hàng ngày gặp chú Trịnh Công Sơn, lâu lâu thì bác Văn Cao, bác Nguyễn Tuân, qua đó mình cũng ảnh hưởng một phần văn nghệ. Lúc nhỏ tôi là một đứa trẻ không hiếu động, thích ở nhà làm thơ, ví dụ như bài “Mẹ đi vắng” là chú Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Tôi có một phòng ở trên sân thượng riêng, tôi hay ở trên đó tập tành sáng tác nhạc và thời gian bắt đầu sự nghiệp năm 24 tuổi, bắt đầu làm phim với những kịch bản từ “Nụ hôn thần chết”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, những bộ phim đầu tiên thì tôi viết kịch bản ở đó.
Nguyễn Quang Dũng bên cha mình là cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Còn chị tôi là một người rất mê đọc sách, tôi nhớ chị đọc sách khuya phải trùm mền rồi lấy đèn pin vào để đọc vì sợ ba tôi mắng. Còn anh tôi lúc nào cũng vẽ, từ nhỏ đã có một năng khiếu vẽ nên sau này anh tôi học kiến trúc sư.
Rồi những đứa bạn chơi chung với nhau, rồi cùng lớn lên, cùng đi học rồi cùng bắn bi hay đá banh nhựa hoặc đá cầu với tôi thì đó là căn nhà có nhiều kỉ niệm từ khi mình sinh ra và trưởng thành. Nhiều người nghĩ “Nhiều tiền để làm gì?” còn tôi nghĩ nếu tôi có nhiều tiền tôi sẽ mua lại những khu tập thể ấy để ở lại với kỉ niệm của mình.