Wake-up và Phinn của Vinacafe Biên Hòa có trộn đậu nành
Tại diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch diễn ra hôm nay 23/8 tại Hà Nội, một lần nữa ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Công ty Vinacafe Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan) đã thừa nhận Vinacafe từng trộn đậu nành vào cà phê khi làm hai sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up và Phinn để bán ra thị trường trước… sức ép của thị trường.
Ông Kỷ nói: “Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake-up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê”.
Cả hai sản phẩm đều mang lại kết quả kinh doanh rất tốt cho công ty. Tuy nhiên, theo ông Kỷ, điều này đã khiến trong đội ngũ tại Vinacafe cảm thấy “day dứt” vì chiều theo thị hiếu người tiêu dùng mà “đi ra khỏi triết lý về giá trị nguyên bản trong sản phẩm cà phê của mình”.
Trước đó, tại TP.HCM, trong buổi giới thiệu ra mắt sản phẩm cà phê phin kiểu Việt Nam mang thương hiệu Vietnamo của công ty này, ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Vinacafe Biên Hòa, cho biết đã gắn bó với thương hiệu Vinacafe hơn 30 năm và đã gìn giữ được triết lý cà phê từ năm 1968 là “nguyên chất, không pha trộn đậu nành bởi cà phê không chỉ là sản phẩm gắn bó với nhiều thế hệ Việt Nam mà còn là thương hiệu quốc gia”.
Tuy nhiên, trước lời “tự thú” của chính vị "thuyền trưởng" Vinacafe Biên Hòa, ông Vũ cũng thừa nhận năm 2012, do khẩu vị thưởng thức cà phê của người tiêu dùng có phần bị xáo trộn trước tác động của nhiều nguồn cà phê pha trộn khác nhau và kể cả trước sức ép của thị trường, Vinacafe Biên Hòa đã trộn đậu nành vào cà phê và có ghi rõ trên bao bì bán ra thị trường.
Tổng giám đốc Công ty Vinacafe Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan) đã thừa nhận Vinacafe từng trộn đậu nành vào cà phê khi làm hai sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up và Phinn để bán ra thị trường trước… sức ép của thị trường. (Ảnh minh họa). |
Vào tháng 7 năm nay, một "ông lớn" khác trong ngành cà phê Việt là Nescafe cũng thừa nhận sản phẩm cà phê Việt của mình có trộn đậu nành với lý do nhằm phù hợp khẩu vị và sở thích của người Việt.
Như vậy, với lý do sức ép thị trường, gu thưởng thức mà các "ông lớn" cà phê sẵn sàng chiều theo thị hiếu dễ dãi và đi lệch triết lý kinh doanh mà thương hiệu này theo đuổi từ nửa thế kỷ như vậy. Giải thích về lý do vì sao gu thưởng thức cà phê Việt lại thay đổi để đẩy đến “sức ép” khó thuyết phục này, ông Vũ thừa nhận đó là hậu quả từ thời bao cấp, khi việc mua bán cà phê quá khó khăn, ngăn sông cấm chợ khiến nhiều người vốn yêu thích cà phê nảy ra việc dùng bột bắp, đậu nành rang cháy để thay cà phê, đánh lừa vị giác.
Sau lời tự nhận “có trộn đậu nành vào cà phê” của Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa Nguyễn Tân Kỷ, ông Kỷ cam đoan: “Từ ngày 1/8/2016, Vinacafe Biên Hòa sẽ chỉ sản xuất và cung cấp ra thị trường những sản phẩm làm từ cà phê nguyên chất, không trộn đậu nành”.
Ông Nguyễn Tân Kỷ nói thêm: “Đây quả thực không phải là một quyết định dễ dàng, đặc biệt đối với gu thưởng thức cà phê đã quen với việc pha trộn các loại khác ngoài-cà-phê của người tiêu dùng hiện giờ. Bởi chúng tôi luôn tự hỏi rằng nếu bản thân người Việt Nam chúng ta không tự thân nỗ lực cùng nhau làm những điều tốt đẹp cho cà phê Việt Nam, liệu chúng ta còn có thể trông chờ ai khác giúp mình hay không? Tại Vinacafe Biên Hòa, chúng tôi tin rằng quyết định này là đúng, vì niềm tự hào của cà phê mang bản sắc Việt Nam. Thay mặt cho hàng ngàn nhân viên Vinacafe Biên Hòa, tôi xin cam kết bảo vệ niềm tin ấy đến cùng. Cùng nhau, chúng ta sẽ khôi phục, và tôn vinh giá trị nguyên bản của cà phê Việt Nam”.
Việt Nam đang đứng số 1 về cà phê Robusta, thứ 2 về xuất khẩu cà phê nói chung nhưng người Việt Nam không được uống cà phê thực sự. Đó là câu chuyện nhức nhối đối với người tiêu dùng Việt. Thực tế, vai trò của các doanh nghiệp lớn là có thể định hướng được thói quen của người tiêu dùng, trong đó đa số là những thói quen xấu.
Đừng “treo đầu dê, bán thịt chó”
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, theo ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, về nguyên tắc, tất cả cơ sở kinh doanh, sản xuất cà phê đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, con người để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn.
Trong quá trình sản xuất các cơ sở này cũng phải chịu kiểm tra việc tuân thủ. Thế nhưng, trong nhiều lần làm trưởng đoàn đi thanh tra việc kinh doanh sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây nguyên, ông Long cho biết đã phát hiện tình trạng cà phê độn các loại đậu nành, bắp khá phổ biến.
“Có một thực tế là đến nay VN vẫn chưa có quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm cà phê” - ông Long cho biết.
Theo ông Long, khi bắt tay xây dựng quy chuẩn quốc gia cho mặt hàng cà phê cách nay mấy năm, những người thực hiện đã gặp nhiều lúng túng do các tiêu chuẩn thực phẩm của VN được xây dựng dựa trên Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex) của Liên Hiệp Quốc, nhưng ủy ban này lại không có quy chuẩn riêng cho mặt hàng cà phê.
Đậu nành rang đen được tẩm ướp - nguyên liệu chính của cà phê giả. |
Do đó, Bộ Y tế đã tham khảo bộ quy chuẩn cho sản phẩm cà phê của Thái Lan, nhưng vì có nhiều tranh cãi nên đến nay quy chuẩn cho cà phê Việt vẫn còn dang dở. Theo các chuyên gia, dù VN chưa có quy chuẩn quốc gia về cà phê nhưng không có nghĩa muốn sản xuất cà phê như thế nào cũng được.
Pháp luật VN cũng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có cà phê, ngoài ra khi đã sản xuất phải công bố minh bạch, trung thực và thực hiện đúng công bố.
Theo đó, với sản phẩm đóng gói phải thực hiện công bố thông tin, một là dành cho sản phẩm có quy chuẩn quốc gia, hai là sản phẩm chưa có quy chuẩn nhưng phải được xác nhận phù hợp quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Để được xác nhận, doanh nghiệp phải tuân thủ một loạt quy định, trong đó quan trọng là phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng một số chỉ tiêu về an toàn. Chẳng hạn trong cà phê, quy định ngưỡng an toàn về hàm lượng kim loại nặng, độc tố vi nấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cuối cùng là phụ gia thực phẩm” - một chuyên gia đề nghị. Cùng quan điểm,
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội - cho rằng điều đáng quan tâm là nhiều doanh nghiệp pha trộn bắp hay đậu nành khi sản xuất cà phê nhưng vẫn công bố 100% cà phê nguyên chất! “Bản thân bắp không phải chất độc, lẽ ra phải công bố rõ thành phần, nhưng doanh nghiệp sợ công bố rõ sẽ không bán được hàng” - ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH cà phê Lê Phan cho rằng ngay cả khi cho phép sản xuất cà phê... trộn (bắp, đậu nành..) cũng cần có quy định rõ tỉ lệ trộn và phải công khai thành phần, tỉ lệ trộn.
Ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc Nhà máy Nestlé, cũng cho rằng không phải cà phê 100% là bán được, mà tùy thuộc vào “gu” của người sử dụng.
“Thực tế, ngoài yếu tố lợi nhuận, việc sản xuất cà phê của một số doanh nghiệp nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm này phải công khai thành phần và tỉ lệ để cơ quan quản lý kiểm tra và người tiêu dùng được biết” - ông Ngọc nói.