Tổng Giám đốc Vinpearl Air bật mí kế hoạch đào tạo xuất khẩu phi công Việt Nam

Với các chứng chỉ được công nhận trên phạm vi toàn cầu, phi công do Vinpearl Air đào tạo có thể ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội, hướng đến việc xuất khẩu phi công Việt Nam ra thế giới.

Đó là chia sẻ của ông Phan Xuân Đức, Tổng Giám đốc Vinpearl Air về cách tiếp cận của Vinpearl Air trong việc đào tạo phi công, định hướng nghề nghiệp cho các ứng viên tham dự kỳ tuyển sinh phi công khóa 1 đang được Vinpearl Air tổ chức.

- Từng có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông có đánh giá thế nào về tình trạng khan hiếm phi công ở Việt Nam?

Từ hàng chục năm trước cho đến hiện tại, phi công vẫn luôn là “của hiếm”, nhu cầu về phi công luôn cao hơn so với nguồn cung. Yếu tố đầu tiên của thực tế này là do các yêu cầu khá cao về sức khỏe, thể chất cũng như tinh thần đối với các học viên phi công. 

Bên cạnh đó, phi công còn cần có “khiếu” nữa, chứ không phải cứ chuyên cần là được.

Tổng giám đốc Vinpearl Air bật mí kế hoạch đào tạo xuất khẩu phi công Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Vinpearl Air Phan Xuân Đức.

Ngoài ra, quan niệm của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam chưa có sự ghi nhận xứng đáng đối với nghề phi công, đâu đó vẫn cho rằng đây là nghề chưa thực sự ổn định dù có thu nhập cao.

Chính vì vậy, nhiều bậc cha mẹ tỏ ra e ngại khi con mình muốn theo nghề phi công.

- Có thu nhập cao, lại được đi nhiều nơi, môi trường làm việc rất “Tây” chắc hẳn là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhưng sự e dè của các bậc cha mẹ không phải không có cơ sở, bởi phi công nếu “không bay nữa thì biết làm gì”, thưa ông?

Có thể nói đây là lý do chính khiến các bậc cha mẹ muốn con vào đại học hơn là làm phi công.

Tuy nhiên, khi tốt nghiệp khóa đào tạo phi công tại Vinpearl Air, học viên sẽ có cơ hội làm việc tại một trong những thương hiệu của Tập đoàn Vingroup, một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, với mức lương rất hấp dẫn.

Đặc biệt, học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công của Vinpearl Air có thể học liên thông lên đại học chuyên ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay tại Đại học VinUni.

Điều này sẽ giúp họ có cơ hội thay đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt, đảm bảo cơ hội việc làm rộng mở ngay cả khi không có nhu cầu làm phi công nữa.

- Việc đào tạo của Vinpearl Air có gì khác biệt so với những nơi khác?

Học viên trúng tuyển trong kì tuyển sinh khóa 1 của Vinpearl Air sẽ trải qua 26 tháng đào tạo. Trong đó, thời gian học tại nước ngoài tại một trong các Học viện đào tạo hàng đầu thế giới tại Mỹ hoặc Úc mất 12 tháng để lấy bằng quốc tế PPL (bằng lái máy bay tư nhân), CPL (bằng lái máy bay thương mại) và chứng chỉ MEIR (chứng chỉ vận hành máy bay đa động cơ).

Tiếp đó, học viên sẽ được học tại Việt Nam trong 14 tháng để lấy chứng chỉ ATPL (chứng chỉ phi công vận tải hàng không), MCC (chương trình huấn luyện “Phối hợp tổ bay nhiều thành viên”), JF (bay làm quen trên máy bay phản lực).

Đặc biệt, huấn luyện chuyển loại và bay tích lũy kinh nghiệm là giai đoạn quan trọng để học viên phi công hoàn thiện kỹ năng, trở thành phi công của hãng hàng không.

Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế FAA, CASA, CAAV và được Vinpearl Air đảm bảo việc làm trong môi trường chuyên nghiệp với thu nhập hấp dẫn sau khi ra trường, tương đương với phi công nước ngoài.

- Các chứng chỉ quốc tế này có ý nghĩa như thế nào đối với phi công Việt Nam, thưa ông?

Với các chứng chỉ được công nhận trên phạm vi toàn cầu, phi công do Vinpearl Air đào tạo có thể ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội, hướng đến việc xuất khẩu phi công Việt Nam ra thế giới. Đó chính là cách tiếp cận của Vinpearl Air.

Chúng tôi cho rằng muốn có dịch vụ tốt, có khả năng cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế, thì ngay từ trong đào tạo nhân sự đã phải định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế, với những tiêu chí khắt khe nhất trên thế giới hiện nay.

- Có nghĩa là Vinpearl Air không có điều kiện ràng buộc phi công do mình đào tạo?

Đúng vậy. Học viên có thể tự do lựa chọn nơi làm việc tiếp theo, hoàn toàn không bắt buộc phải làm cho Vinpearl Air. Mong muốn của chúng tôi là góp phần đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho cả thị trường chứ không chỉ phục vụ riêng Vinpearl Air.

Xin cảm ơn ông!

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.