Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte tới Viêng Chăn dự hội nghị ASEAN. Ảnh: Getty |
Nhà lãnh đạo ít kinh nghiệm ngoại giao
Ngay trước chuyến công du Lào, ông Duterte một lần nữa gây xôn xao dư luận khi dùng những lời khiếm nhã với Tổng thống Mỹ Obama - người mà đáng lẽ ông sẽ hội đàm song phương khi có mặt ở Lào. Hệ quả là, phía Mỹ đã quyết định hủy kế hoạch hội đàm, lùi sang một thời gian khác thích hợp hơn.
Tại Viêng Chăn (Lào), tối 6/9, ông Duterte thay vì có cuộc hội đàm với Tổng thống Obama đã gặp gỡ với các lãnh đạo khác trong khu vực. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng ông rất "háo hức" được gặp Tổng thống Duterte, một người "khá nổi tiếng ở Nhật Bản".
Thư ký truyền thông của Tổng thống Duterte, ông Martin M. Andanar, nói rằng: “Tổng thống Duterte là nhà lãnh đạo được nhắc đến nhiều nhất ở ASEAN và trên thế giới”, song thực tế, ông Duterte có thể nói là nhà lãnh đạo ít kinh nghiệm ngoại giao nhất tại một sự kiện mà thường chi phối bởi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông như hội nghị ASEAN.
Nhiều lãnh đạo ở quốc hội Philippines từng nhắc nhở ông Duterte về cương vị mới của ông ấy trong cộng đồng quốc tế. "Bất cứ phát ngôn nào của một nguyên thủ quốc gia cũng có thể coi như là một tuyên bố chính sách", thượng nghị sĩ Panfilo M. Lacson lưu ý. Một thượng nghị sĩ khác là Joseph Victor G. Ejercito cũng nói rằng, rất may là ông Duterte đã thừa nhận sai sót của mình khi sử dụng những lời lẽ nặng nề. Franklin M. Drilon, một lãnh đạo Thượng viện khác, nói: "Những phát ngôn thiếu tính ngoại giao và không thân thiện sẽ khiến chúng ta chẳng đi đến đâu".
Từng là thị trưởng của một thành phố với 1,6 triệu dân trong suốt 2 thập niên, ông Duterte có rất ít kinh nghiệm về chính trường quốc tế. Việc ông tham gia hội nghị thượng đỉnh ở ASEAN sau một loạt những phát ngôn “sốc” ít nhiều gây chú ý.
"Đây là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên của ông Duterte, rất khó để biết chính xác ông ấy sẽ thể hiện mình như thế nào", Gregory Poling, một chuyên gia phân tích tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, nhận định. Ông Duterte từng nói rằng ông cũng có thể là một người khá thực tế và sẽ "hạ giọng" khi cần thiết.
Tổng thống Philippines Rodrigo R. Duterte. Ảnh: Reuters |
Hối hận vì những phát biểu nặng lời
Hội nghị ASEAN cũng có thể coi là một phép thử với ông Duterte bởi đây là cuộc nhóm họp đầu tiên của lãnh đạo ASEAN kể từ khi tòa trọng tài ra phán quyết bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông thường là chủ đề nóng trong các hội nghị của ASEAN.
Trong khi đó, quan điểm của ông Duterte trong cách xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc lại thay đổi thất thường. Ông có lúc tuyên bố để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông, song sau đó lại tuyên bố sẵn sàng đối đầu đẫm máu nếu Bắc Kinh đi quá xa.
Với Mỹ cũng tương tự, ông Duterte tỏ ra hoài nghi về cam kết bảo vệ Philippines của Mỹ, hay chọc giận Washington bằng cách phát tín hiệu Manila sẵn sang đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
"Nước đang theo sát ông Duterte nhất có lẽ là Mỹ. Với Trung Quốc, ông Duterte là một thay đổi hoặc tương đương, hoặc tốt hơn cựu tổng thống Aquino. Còn với Mỹ, ông Duterte lên nắm quyền là tình thế không đổi, hoặc tệ hơn trước", Christian Lewis, một chuyên gia phân tích rủi ro ở ASEAN nhận định.
Ông Duterte thường xuyên đưa ra những phát biểu "gây sốt" dư luận. Tháng trước, ông từng dọa sẽ rút Philippines khỏi Liên Hợp Quốc và kêu gọi Trung Quốc lập một tổ chức khác để phản pháp việc bị Liên Hợp Quốc chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy. Chưa đầy 1 ngày sau, Philippines đã phải rút lại tuyên bố này và tìm cách “chữa cháy”. Tương tự, sau khi buông những lời khiếm nhã về Tổng thống Mỹ Obama, ông đã hối hận vì những lời lẽ nặng nề của mình.
"Ông Duterte luôn sẵn sàng cho sự chỉ trích. Ông ấy có thể phản pháp bất cứ lãnh đạo ASEAN nào khác chỉ trích ông vì vi phạm nhân quyền theo luật của đất nước họ", Benito Lim, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, nhận định.