TP HCM đã triển khai thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020”.
Thành phố triển khai thực hiện kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ và thứ 7 cho con công nhân tại các khu chế xuất. |
Thí điểm ở 2 quận: Bình Tân và Thủ Đức
Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân ở các khu chế xuất nhằm thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho người lao động. Để triển khai kế hoạch, thành phố cũng sẽ tiến hành khảo sát thực trạng về nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ của công nhân ở khu chế xuất Linh Trung I, Linh Trung II, khu công nghiệp Vình Lộc và đội ngũ giáo viên bậc học mầm non trên địa bàn.
Theo đó, năm học 2016 – 2017, thành phố tiến hành thí điểm xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện ở 2 quận: Bình Tân và Thủ Đức - cụ thể, quận Bình Tân là trường Mầm non 30/4 thuộc khu công nghiệp Vĩnh Lộc sẽ thực hiện giữ trẻ đến 17g30 và cả ngày thứ Bảy. Ở quận Thủ Đức, trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 (Phường Linh Xuân) và Mầm non khu chế xuất Linh Trung II (Phường Linh Trung) thực hiện giữ trẻ đến 17g30 và cả ngày thứ bảy.
Năm học 2017 – 2018, kế hoạch dự kiến triển khai thực hiện tại quận 7 với khu chế xuất Tân Thuận và huyện Củ Chi với khu công nghiệp Tây Bắc. Năm học 2018 – 2019, dự kiến thực hiện đại trà tại các trường mầm non khu chế xuất, khu công ngiệp ở các quận, huyện cũng như tiến hành tổng kết 3 năm thực hiện công tác giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất, khu công nghiệp.
Năm học 2019 - 2020 và các năm tiếp theo, các quận, huyện tập trung mở rộng số trường nhận trẻ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Gửi con là vấn đề nan giải của nhiều vợ chồng công nhân, có người phải nghỉ làm để ở nhà trông con. (Ảnh minh họa - Vinmac) |
Đáp ứng nhu cầu thực tế
Việc hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là điều nhiều công nhân trông đợi bởi nhu cầu thật xuất phát từ thực tế. Nhiều cặp vợ chồng ở các khu chế xuất gặp nhiều khó khăn trong việc gửi con.
Chị Nguyễn Thị Nga (Quê Hà Tĩnh) hiện đang làm công nhân cho công ty chuyên về lắp ráp điện tử thuộc Khu chế xuất Linh Trung chia sẻ, hai vợ chồng chị có con nhỏ 3 tuổi, hiện đang học một trường mầm non trên địa bàn quận. "Nhiều anh chị em công nhân không xin được cho con vào trường công vì không có hộ khẩu. Mình cũng may mắn cố gắng lắm mới xin được nhưng lại ngặt chuyện đón đưa vì hai vợ chồng làm theo ca nên không kịp về đón bé. Trường công thì cứ 4h là bắt đầu trả bé rồi!", chị Nga cho biết.
Cũng theo chị, để khắc phục anh chị phải nhờ bà ngoại từ quê vào ở cùng và đưa đón cháu để vợ chồng yên tâm đi làm. Phòng trọ nhỏ chật nên việc ở chung khá bất tiện, tuy nhiên chị vẫn cho biết vợ chồng chị còn "hạnh phúc chán" vì nhiều công nhân phải tốn tiền thuê người giữ con ngoài giờ mà không an tâm.
Không riêng chị Nga, chuyện gửi con là nỗi lo chung của các gia đình công nhân. Chuyện gửi con ở các cơ sở tư nhân kém chất lượng, giao con cho những người trông trẻ thiếu kinh nghiệm đã để xảy ra nhiều vụ việc thương tâm đáng tiếc. Với kế hoạch này, người lao động có nơi gửi con và yên tâm công tác hơn.
Kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân ở các khu chế xuất cũng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một cũng như xây dựng lộ trình tổ chức giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Về chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, những người được Thủ trưởng cơ sở giáo dục mầm non công lập giao thực hiện công việc giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất và khu công nghiệp sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định.