TP HCM muốn bảo tồn trụ sở Hỏa xa số 136 Hàm Nghi

Ngày 27/8, Văn phòng UBND TP HCM cho biết, về công trình trụ sở Hỏa xa (số 136 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1), UBND đã đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ủng hộ TPHCM được tiếp nhận công trình này để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử và kiến trúc của công trình.

Cụ thể, phần tòa nhà 2 lầu mái ngói màu đỏ được xây dựng theo kiến trúc Pháp được bảo tồn, phục vụ làm nhà ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành, đầu mối phục vụ hành khách sử dụng các loại hình giao thông công cộng; trưng bày các hiện vật của ngành đường sắt từ thời Pháp thuộc đến thời kỳ đường sắt đô thị hiện nay để thành điểm tham quan của du khách đến TP. 

Phần còn lại của trụ sở hiện là nhà một lầu mái tôn sẽ sử dụng làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị.

Thời gian tới, UBND TP sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành theo hình thức thi tuyển quốc tế với mục tiêu tuyển chọn được ý tưởng thiết kế tối ưu nhất, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và hài hòa với không gian đô thị xung quanh.

Tòa nhà trụ sở Hỏa xa trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương, khánh thành vào năm 1914 (cùng thời điểm với chợ Bến Thành), được xây dựng theo kiến trúc Pháp với 2 lầu mái ngói đỏ, là công trình có giá trị lịch sử với thành phố nói chung và ngành đường sắt thành phố nói riêng.

TP HCM muốn bảo tồn trụ sở Hỏa xa số 136 Hàm Nghi - Ảnh 1.

Tòa nhà trụ sở Hỏa xa

Hiện nay, công trình trụ sở Hỏa xa là công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thành phố (ban hành theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 7-3-2017 của UBND TP HCM). 

Theo Khoản 14, điều 1  Luật Di sản văn hóa, công trình này đang được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa để từng bước lập hồ sơ xếp hạng di tích theo quy định. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.