Theo Báo cáo thị trường bất động sản TP HCM 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Savills Việt Nam công bố, quý II/2023, thị trường bán lẻ tại địa phương này không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt hơn 1,5 triệu m2 sàn.
Dự kiến đến năm 2026, nguồn cung bán lẻ đạt 201.000 m2 sàn từ 13 dự án sẽ đi vào hoạt động. Trong đó, có ba dự án ở khu vực ngoài trung tâm sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm nay, với diện tích cho thuê khoảng 66.000 m2.
Trong quý II/2023, công suất thị trường bán lẻ đạt mức 91%, không đổi theo quý nhưng giảm 1% theo năm. Nhờ cung cấp trải nghiệm hàng hóa và dịch vụ đa dạng, các dự án bán lẻ hiện đại có sự vượt trội hơn so với shophouse.
Theo đó, giá thuê nhà phố tại các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Nguyễn Trãi giảm 8% mỗi năm từ 2019 đến nay, trong khi giá thuê của phân khúc bán lẻ hiện đại vẫn tăng trung bình 3% mỗi năm.
Lượng tiêu thụ tại thị trường bán lẻ trong quý II/2023 giảm 7.000 m2, thấp nhất kể từ quý IV/2022. Lý do đến từ việc khách thuê trả mặt bằng và nhiều chủ dự án đã chuyển diện tích bán lẻ sang văn phòng cho thuê. Trong số đó, lượng tiêu thụ ở khu vực trung tâm đạt khoảng 500 m2, còn ở khu vực ngoại thành giảm gần 8.000 m2.
Nửa đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại TP HCM tăng 7% theo năm, đạt 562.000 tỷ đồng, chiếm 19% cả nước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,7% so với năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại TP HCM có mức tăng trưởng cao nhất kể từ 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 3,7%. Savills Việt Nam dự đoán điều này sẽ tác động đến giá thành sản phẩm và sức mua của người tiêu dùng.
Nhận định về thị trường bất động sản bán lẻ tại TP HCM trong quý I và quý II/2023, bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu thị trường của Savills TP HCM cho biết, thị trường tăng trưởng chậm lại do tâm lý người tiêu dùng cẩn trọng hơn. Bà Cao Thị Thanh Hương cũng kỳ vọng khi tình hình kinh tế trong nước ổn định hơn sẽ thúc đẩy sự phát triển của bất động sản bán lẻ trong tương lai.