Trách nhiệm của chủ phương tiện khi người mượn xe gây tai nạn

Luật dân sự, Luật hình sự và Luật giao thông đường bộ đều có quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường của chủ xe khi cho người khác mượn xe mà bị tai nạn.

Tôi là Minh Tâm, độc giả của Vietnammoi. Tôi xin hỏi tới VietnamMoi như sau:

Nếu xe (máy/ô tô) do tôi đứng tên chính chủ, cho người khác mượn điều khiển. Người đó gây tai nạn, tôi có phải chịu liên đới gì không?

Giả sử trường hợp 1, có đầy đủ bằng chứng người điều khiển không phải là tôi, người gây tai nạn bị lập biên bản tại chỗ. Trường hợp 2, sau thời gian tai nạn mới tìm ra phương tiện gây tai nạn, chưa có bằng chứng cụ thể gì để chứng minh người gây tai nạn là tôi?

Độc giả: Minh Tâm

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Luật dân sự, Luật hình sự và Luật giao thông đường bộ đều có quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường của chủ xe khi cho người khác mượn xe mà bị tai nạn.

Theo đó, nếu người mượn xe gây tai nạn giao thông đảm bảo đủ điều kiện lái xe, đảm bảo độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì người chủ sở hữu phương tiện hợp pháp cho mượn xe không phải chịu xử phạt vi phạm hành chính.

Ngược lại, chủ sở hữu phương tiện phải chịu xử phạt như sau: Chủ phương tiện khi biết rõ người mượn không có giấy phép lái xe mà vẫn giao xe để người mượn tham gia giao thông là vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

Mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện về độ tuổi của người lái xe theo Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng). Căn cứ vào tính chất, mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của bên bị thiệt hại trong vụ TNGT mà người chủ sở hữu phương tiện có thể chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình gây ra khi cho mượn xe (căn cứ Điều 205, Bộ Luật hình sự).

Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

- Đăng ký xe.

- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này.

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.

- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).

- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).

- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).

- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.

Về việc bồi thường thiệt hại

Theo như bạn trình bày, bạn của bạn mượn xe bạn đi và có sự đồng ý của bạn. Do đó, trường hợp này bạn sẽ phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại.

Việc bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

Người gây tai nạn bỏ trốn

Đối với những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, tùy loại phương tiện điều khiển mà có mức xử phạt khác nhau. Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Như vậy, để xác định mức độ sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra để xác định hình phạt.

Để chứng minh mình không phải người gây tai nạn bạn cần phải khai báo rõ ràng với công an và cung cấp đầy đủ các chứng cứ, tài liệu mà mình có để phục vụ cho công tác điều tra. Trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Nếu trên thực tế bạn cho người đủ điều kiện điều khiển xe mượn xe thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Bạn chỉ phải liên đới chịu bồi thường thiệt hại.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.